Ngày 27/08/2024
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động xuất bản trong tình hình mới, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực, sâu sắc và toàn diện trong hoạt động xuất bản, in và phát hành...
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 26/8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam về khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (Chỉ thị số 42-CT/TW).
Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW sâu rộng khắp các cơ quan Hội. Công tác triển khai gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về xuất bản.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Công tác nghiên cứu thực hiện Chỉ thị cũng được triển khai sâu rộng khắp các cơ quan Hội thông qua các tổ chức cơ sở Đảng. Phương thức triển khai thông qua việc phổ biến nội dung Chỉ thị, ra Nghị quyết áp dụng vào hoạt động thực tế cụ thể của từng cơ quan. Nội dung “nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” được thể hiện đặc biệt thông qua các tờ báo, tạp chí của Hội. Không chỉ đổi mới về nội dung, giao diện, hình thức in ấn, phát hành…, cơ quan báo, tạp chí của Hội còn tập trung hoàn thiện nâng cao đội ngũ những người làm xuất bản… Hàng năm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cấp phép cho hàng ngàn cuốn sách, đồng thời bước đầu thực hiện tự xuất bản, ấn hành những tác phẩm có giá trị, chất lượng, góp phần từng bước nâng cao văn hóa đọc cho người dân, làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân… Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, hàng vạn ấn phẩm Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống đã đến tay bạn đọc cả nước. Hàng ngàn đầu sách với logo của Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng đã đến tay các hội viên.
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, trong thời gian, qua công tác huy động các nguồn vốn xã hội cho xuất bản, phát hành cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước cũng được chú trọng… Nhờ vậy hàng vạn đầu sách đã được xuất bản và phát hành cung cấp cho hệ thống thư viện ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng, địa bàn….
Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các cơ quan, đơn vị, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam trong việc tổ chức, triển khai tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; công tác tổng kết đã được các cấp ủy đảng, tổ chức đảng của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam triển khai chủ động, đáp ứng tốt yêu cầu đề ra.
Về chất lượng nội dung xuất bản phẩm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật; xuất bản được nhiều bộ sách, đầu sách phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ban, ngành, đoàn thể; tích cực tuyển chọn, sưu tầm biên soạn, xuất bản các tác phẩm hay, có giá trị của nền văn học Việt Nam; xuất bản nhiều công trình dịch thuật, lý luận phê bình văn học, tác phẩm văn học ưu tú trong nước và thế giới; các bộ sách tôn vinh những tác giả, tác phẩm có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà; quan tâm giới thiệu sáng tác của các nhà văn trẻ nhằm phát hiện những tài năng mới.
Về chất lượng đội ngũ cán bộ, với thương hiệu 67 năm thành lập, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tập hợp đội ngũ lãnh đạo quản lý, biên tập viên giỏi là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, các học giả, các dịch giả tiêu biểu cùng đội ngũ biên tập viên được đào tạo cơ bản, tâm huyết với nghề, qua đó, góp phần tích cực vào phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của độc giả cả nước. Tổ chức tốt, nâng cao chất lượng hoạt động giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm thông qua các hoạt động giới thiệu, phê bình sách, phê bình văn học nghệ thuật, tham gia các hoạt động đối ngoại quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Phan Xuân Thủy cũng chỉ rõ, hoạt động xuất bản của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Vẫn còn sai phạm trong nội dung xuất bản phẩm về chính trị tư tưởng; thiếu đầu tư vào tự khai thác bản thảo dẫn đến sách do nhà xuất bản tự làm chiếm tỷ lệ thấp, trong khi phần lớn là sách liên kết; có hiện tượng buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập, quy trình liên kết, đọc duyệt nội dung xuất bản phẩm dẫn đến để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng gây bức xúc dư luận; chưa quan tâm đúng mức công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình bổ nhiệm lãnh đạo nhà xuất bản trong thời gian dài; việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai sách điện tử còn nhiều hạn chế.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Để phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị, trong thời gian tới Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực, sâu sắc và toàn diện trong hoạt động xuất bản, in và phát hành. Lãnh đạo, chỉ đạo nhà xuất bản, các đơn vị in, phát hành quán triệt, thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả việc tổng kết 20 năm Chỉ thị 42-CT/TW. Thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản xuất bản theo quy định của Đảng, Nhà nước. Lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động, công tác cán bộ của nhà xuất bản; có giải pháp xây dựng nhà xuất bản theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” đã được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Đảng đoàn Hội Nhà văn tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới…, từng bước nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng; Nhà xuất bản Hội Nhà văn phải khẳng định thương hiệu nhà xuất bản hàng đầu về lĩnh vực văn hoá, văn học. Coi trọng việc sáng tạo, đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề sáng tác; nâng cao tính chuyên nghiệp để có được những tác phẩm kết tinh tài năng, tâm huyết của đội ngũ nhà văn đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước; phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật có giá trị cao; góp phần định hướng phát triển văn học nghệ thuật và định hướng giá trị chân - thiện - mỹ cho độc giả. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực để tham gia sâu vào xuất bản điện tử; đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cho nhà xuất bản hoạt động ngày càng phát triển, hiện đại.../.
Tin, ảnh: TT
(Theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tao-su-chuyen-bien-ro-net-toan-dien-trong-hoat-dong-xuat-ban-cua-hoi-nha-van-viet-nam-675917.html