Ngày 22/05/2025
Nguyễn Đức Toàn |
|
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Hanoi National University of Education +Tác giả liên hệ ● Email: toannguyenhnue@gmail.com |
|
|
|
Article history |
TÓM TẮT |
|
Received: Accepted: ………. Published: ……… |
Bài viết này áp dụng lý thuyết về chấn thương cùng với các quan điểm từ phân tâm học, nhân học và văn học để khám phá chấn thương tuổi học trò thông qua hai nhân vật cùng tên Phương trong truyện tranh “Mùa hè bất tận” của tác giả Lâm Hoàng Trúc. Nguồn cơn của chấn thương xuất phát từ nỗi đau do bị đóng dấu căn tính và bị triệt phá bản ngã của hai đứa trẻ, do những chủ thể hủy diệt như gia đình, trường học và môi trường xung quanh. Những chiều kích và bình diện thể hiện chấn thương được khắc họa qua hình thức diễn xuất (enactment) và thi pháp học tự sự, làm sâu sắc thêm ý thức về nỗi đau vượt ngưỡng mà những đứa trẻ phải gánh chịu. Chấn thương để lại hậu quả là một thế giới hậu chấn thương bị vỡ vụn, cần có sự hồi phục. Đồng thời, nó cũng cảnh tỉnh người đọc về sự nguy hiểm của chấn thương, bởi chấn thương có thể và sẽ quay lại phá huỷ chúng ta một lần nữa.
|
|
Keywords Trauma, Trauma and narration, Narrative across media, Comic, Poetics of Comic, Trauma of teenagers
Từ khóa |
||
Tự sự chấn thương, chấn thương, tự sự đa phương tiện, truyện tranh, chấn thương tuổi trẻ |
Từ thập niên 90 của thế kỉ XX, lí thuyết chấn thương - kế thừa từ Freud - trỗi dậy mạnh mẽ với những tên tuổi lớn như Cathy Caruth, Shoshana Felman hay Geoffrey Hartman. Các nhà nghiên cứu cho rằng chấn thương theo ý nghĩa phổ quát nhất là “mô tả một kinh nghiệm choáng ngợp về những sự kiện đột ngột hay thảm họa mà phản ứng đối với sự kiện đó thường xuất hiện dưới dạng ảo giác và các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái diễn một cách không kiểm soát được” (Caruth, 1996, p.11[1]). Và vì chấn thương mang bản chất trì hoãn bởi nó “là sự va chạm với một sự kiện vượt ngưỡng, thoát khỏi mọi cấu trúc mang nghĩa, do đó, trở thành cái mà chủ thể bị chấn thương không thể tiếp cận” (Amos Goldberg, [2]), con người ta cần một sự bổ sung nghĩa cho trạng thái rỗng đó đã lựa chọn hành vi tự sự. Theo cái nhìn của Caruth, chấn thương thúc đẩy tự sự, còn tự sự như một nơi kiến tạo cho chấn thương và vì thế, tự sự chấn thương vừa mang biểu hiện của một cá nhân (người kể) lại vừa là cơ chế tạo nên kí ức cộng đồng - một dạng biểu hiện văn hoá. Tự sự chấn thương, có thể nói vừa là cách biểu đạt chiều kích cá nhân vừa là một tiếng kêu mong muốn vượt thoát khỏi lằn ranh “đóng khung” của con người.
“Mùa hè bất tận” là một tác phẩm gây tiếng vang của tác giả trẻ Việt Nam, Lâm Hoàng Trúc. Là một truyện tranh, một thể loại “ngoại biên” của cả văn học lẫn hội hoạ, tác phẩm kể về nỗi đau của hai đứa trẻ tên Phương với những kinh nghiệm chấn thương đến từ căn tính và sự hư vô hóa, cùng lời đề tựa: “Làm trẻ con chưa bao giờ dễ dàng”. Những hình ảnh quen thuộc về mùa hè, về trường lớp thi cử, về gia đình và những kì vọng được xoáy sâu, khai thác và mở toang ra khỏi những che lấp xã hội thông thường: chúng là một thứ gì đó u tối hơn, ám ảnh hơn và đáng để tâm hơn. Việc thực hành đọc và phân tích tác phẩm theo lí thuyết chấn thương là một cách để nhìn, để thấu cảm hơn với những vấn đề nhân sinh và hiện sinh của những trẻ mà hầu hết các vấn đề của chúng bị coi nhẹ, bị bỏ qua. Đồng thời, là một kiểu loại tự sự đa phương tiện, truyện tranh “Mùa hè bất tận” cũng minh chứng cho việc các loại hình tự sự ngoài văn học có khả năng kể một câu chuyện nghiêm túc, sâu sắc theo cách mới mẻ và mạnh mẽ.
“...chấn thương là một lực tổng thể phá các thế giới của chúng ta, dẫn đến một tình trạng đánh mất thế giới. Nó vạch ra một lằn ranh sắc nét đánh dấu cái “trước đó” và “sau đó” (Anna Goblit, Chấn thương và chuyện kể, [3]).
Chấn thương (trauma), từ khởi nguyên ban đầu của nó để chỉ những chấn thương ngoài cơ thể nói chung. Sau bước ngoặt về nhận thức rằng trải qua một nỗi đau có thể để lại di chứng cho cả tâm lí thì đến thời kì của Freud đã xây dựng một hệ thống lí thuyết về chấn thương và là tiền đề cho phê bình chấn thương ngày nay. Ông cho rằng chấn thương xuất phát từ một sự kiện thời thơ ấu, và khi xảy ra thì sự kiện không phải một chấn thương tự nó. Vì thế chấn thương chỉ có thể trình hiện và được nhận diện trong quá trình hồi tưởng của chủ thể. Điều này cho thấy kinh nghiệm chấn thương mang tính mâu thuẫn, gây thách thức khả năng tái trình hiện chấn thương nhằm bất cứ một mục đích gì, bởi lẽ chấn thương xảy đến với sự vượt ngưỡng tâm lí của người tiếp nhận khiến: “...một mặt, ta rất muốn biết ý nghĩa của quá khứ, nhưng mặt khác ta lại không thể hiểu nổi nó. Cách trực tiếp nhất để nhìn một sự kiện bạo lực là nó lại có thể xuất hiện như khả năng hoàn toàn không biết đến nó. Cái trực tiếp, nghịch lí thay, lại là cái đến muộn” (Cathy Caruth [1]). Như vậy, cần có một sự nỗ lực nhằm tái trình hiện lại chấn thương và với bản chất là sinh vật kể chuyện, con người có một phương thức tái hiện thường trực, đó là tự sự.
“Tự sự chấn thương, do đó, là một hình thức kể đúp (double telling) về “bản chất không thể chịu đựng nổi của một sự kiện và bản chất không thể chịu đựng nổi của ngay cả việc còn sống sót sau sự kiện đó” (Cathy Caruth [1]). Bởi sau cú trượt dài về tâm lí hậu chấn thương đến mức con người ta bị phá vỡ bản ngã, điều có thể làm “chỉ có thể tái tạo bản thân câu chuyện” (Anna Goblit, [3]). Hành vi tự sự lúc này là một cách để ta đối mặt với chấn thương, đồng thời là phương thức để giảm đi nỗi đau lẫn con đường phục hồi. Vì thế việc đặt chấn thương trong sự thể hiện của tự sự là một điều nên có nhằm trước hết nhận diện, với người phê bình sẽ là đọc, một chấn thương để nhìn ra những kinh nghiệm chấn thương hết sức cá nhân, những nỗi đau mang căn tính, mang bản ngã riêng biệt có khả năng cấu thành nên một ý thức hệ mang chấn thương cộng đồng.
Nhìn rộng tới hiện nay, lí thuyết chấn thương đã được phát triển và mở rộng về hướng biểu đạt rất nhiều, cùng với đó người ta cũng để tâm tới nhiều những trình hiện mang tính đa ngành, đa phương tiện về chấn thương. Từ điện ảnh, hội hoạ, điêu khắc và thậm chí là truyện tranh, người ta không thoả mãn với những gì Roger Kurtz nói: “Một trong những tuyên bố cơ bản của lí thuyết chấn thương, đó là ngôn ngữ văn chương, trong bản chất của nó, cung cấp một phương tiện hiệu quả mang tính độc nhất biểu đạt cho kinh nghiệm chấn thương theo cách ngôn ngữ thông thường không thể.” (Kurtz, 2018, p.8 [4]). Việc để tâm một thể loại ngoại biên như truyện tranh trình hiện về chấn thương (From Hiroshima to Fukushima: Comics and Animation as Subversive Agents of Memory in Japan, Ory Bartal, 2016) là dấu ấn cho những chuyển biến trong động thái nghiên cứu của phê bình chấn thương. Tuy nhiên, vẫn cần thêm những lí thuyết tương ứng trong việc đọc một tự sự đa phương tiện chấn thương bởi lẽ, việc tiếp nhận qua đa phương tiện bằng tâm thức cũng sẽ có những khác biệt so với tiếp nhận văn bản ngôn ngữ thông thường. Thông qua các hình thức biểu đạt bằng cả kênh hình ảnh và kênh ngôn từ, truyện tranh tác động tới nhiều giác quan hơn, đưa ra những thách thức khác biệt về tiếp nhận chấn thương trong tâm thức, nhất là khi bản thân nghiên cứu về tự sự đa phương tiện cũng là một hướng đi còn đang trong quá trình diễn tiến không ngừng với nhiều vấn đề mới mẻ.
“Mùa hè bất tận” kể về cuộc sống những ngày cuối cấp Hai của hai đứa trẻ một nam một nữ đều tên Phương. Hoàn cảnh tuy có khác nhau, nhưng cả hai đều có điểm chung là phải gánh chịu những sai lầm của người lớn, sống trong cô đơn và không phương hướng. Phương nữ là con của một cặp vợ chồng đã li thân, sống với mẹ là giáo viên ở tỉnh và chị gái. Người mẹ vốn bị ám ảnh về sự kiểm soát, về mong muốn con mình có thể đỗ trường chuyên, học giỏi để cả nhà chuyển lên thành phố. Bà vì thế đã luôn ép buộc Phương nữ trong học hành từ việc vào đội tuyển Văn cho đến tận dụng quan hệ và tiền bạc để cô bé được đi thi tỉnh, thi chuyên. Phương luôn trong trạng thái căng thẳng khi phải cố học theo ý mẹ mà không được chấp nhận những sở thích cá nhân như chơi đàn, những mong muốn cá nhân như gặp bố, đi biển. Phương nam là con của một người khiêng quan tài, mẹ mất sớm. Cậu bé ngược lại với Phương nữ, có khả năng vượt trội và được nhiều thầy cô chú ý, có trường đã đề nghị học bổng sau khi cậu nhập học cấp Ba. Tuy nhiên, nhà Phương nam nghèo, bố từ sau cái chết của mẹ trở nên nát rượu, nhiều khi cậu phải nghỉ học để giúp bố trong công việc, hay chăm sóc ông khi ốm. Tuy tài giỏi là thế nhưng Phương nam hoàn toàn không có mục tiêu sống, với cậu, chỉ có ở bên cạnh cô bạn Phương là điều cậu mong muốn. Hai đứa trẻ với những nỗi đau, những khủng hoảng về cả hiện sinh và nhân sinh khác nhau lần lượt trở nên tuyệt vọng trong cuộc đời của chính mình, đã đi đến ý nghĩ tự tử bên bờ biển. Tuy nhiên, trong giây phút cuối cùng, Phương nam vùng vẫy và cứu cô bạn, hai đứa trẻ lần đầu đưa ra quyết định về cuộc đời của chính mình.
Câu chuyện do Lâm Hoàng Trúc kể về chấn thương của nhiều số phận, kể cả của những người thân của hai đứa trẻ tên Phương. Nhưng tác giả tập trung khắc hoạ câu chuyện của hai đứa trẻ, những đứa trẻ thành thị mà nỗi đau và chấn thương thường bị bỏ mặc bởi người lớn và chính chúng. Chấn thương đến từ sự bị bỏ quên là một điều gây ám ảnh thường trực trong tâm trí trẻ nhỏ, một kinh nghiệm chấn thương vừa mang tính cá nhân lại vừa thuộc về cộng đồng. Với Phương nữ, chấn thương của em đến từ sự bất ổn trong gia đình, từ sự đóng khung đời sống của mẹ và sự bất khả kháng của một quá trình học - ôn - thi chuyên. Nỗi đau khi nhận thức được sự thiếu thốn tình cảm gia đình và sự bất lực trong làm chủ đời sống là một kinh nghiệm tuy không mới nhưng lại mới với một đứa trẻ lần đầu chạm đến nó. Cũng giống vậy với sự bất khả kháng trong quá trình học - ôn - thi chuyên của Phương nữ, một vòng lặp bất hạnh của một người không có khả năng nhưng không thể chối từ. Những lời nhiếc móc, những sự từ chối, những sự thất vọng mà em nhận phải đã hoàn toàn triệt tiêu niềm tin vào bản thân của một cô bé 15 tuổi. Những kinh nghiệm chấn thương mang tính “vượt ngưỡng”, mà theo Goldberg: “Chấn thương được tạo nên bởi sự va chạm mạnh của chủ thể với cái mà Lacan gọi là cái Thực(Real) – một tình huống hay sự kiện vượt quá trật tự tượng trưng và do vậy không nhận được bất kỳ ý nghĩa nào trong khung khổ tượng trưng của chủ thể.” [2], đối với cô bé học trò đã phá huỷ phần lớn thế giới của em. Bên trong cô bé chỉ còn lại “tàn tích” của một thế giới hậu chấn thương mà không có cách nào có thể khôi phục nguyên vẹn như cũ.
Với Phương nam, chấn thương đến tự việc bị ép phải trưởng thành và sống một cuộc đời rỗng nghĩa. Ở trong một gia đình không toàn vẹn do mẹ mất, cha nghiện rượu, Phương nam thật sự phải trải nghiệm việc trưởng thành một mình và sớm hơn những đứa trẻ khác. Chính vì bắt buộc phải lớn lên vì một điều gì đó khác bản thân mình, Phương nam thiếu đi khả năng sống cho một điều gì đó của bản thân. Thậm chí đến cái biểu đạt về bản thân - ngoại hình - cũng bị ghi đè bởi hình ảnh của người mẹ qua mắt cha mình. Chấn thương đến từ những trải nghiệm vượt ngưỡng của em, không nghi ngờ gì, là một sự phá vỡ tuyệt đối thế giới tâm thức và tạo ra một sự ám ảnh tái trình hiện liên tục. Nó tận diệt bản ngã, điều này sẽ được nói kĩ hơn ở phần sau, và tạo ra một sự rỗng vô cùng cho một đứa trẻ đang lớn loay hoay giải quyết. Bản thân Phương nam cũng nhận ra điều đó, và sự tuyệt vọng thể hiện ở việc em không lựa chọn giải quyết mà gắn ý niệm về bản thân vào sự tồn tại của cô bạn thân. Kể cả sau khi không lựa chọn tự tử, hành vi bước đến cái chết của chủ thể thì chấn thương vẫn còn đó thông qua quyết định bảo lưu căn tính dưới một cái biểu đạt khác (Phương nữ) của Phương nam.
Trong quan điểm về đọc tự sự chấn thương, Amos Goldberg khẳng định: “Tôi cho rằng trong trường hợp một sự kiện gây chấn thương rộng lớn như Holocaust (song chắc chắn không chỉ riêng Holocaust), những câu chuyện được các nạn nhân kể lại là nơi mà chấn thương bị “đóng khung” để nó không rơi vào hai hình thức triệt để hơn rất nhiều của cái chết – cái chết của chủ thể nạn nhân bởi cái biểu đạt của kẻ huỷ diệt (annihilator’s signifier) và “cái chết tượng trưng” (symbolic death) của nạn nhân.” (Amos Goldberg, [2]). Ông liên hệ tự sự chấn thương với sự kiện Holocaust (diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã) từ đó chỉ ra biểu hiện của chấn thương bao gồm việc đóng dấu căn tính cùng triệt phá bản ngã. Ở sự kiện này, Đức Quốc Xã tiến hành hàng loạt các biện pháp “đóng dấu” căn tính của người Do Thái: từ việc đánh dấu nơi sinh hoạt của người Do Thái, dấu hiệu bắt buộc trong họ tên, cho đến vật đánh dấu bắt buộc trên quần áo và cuối cùng là xăm kí hiệu của người Do Thái lên da họ. Các bước tiến hành lần lượt tạo nghĩa cho cái biểu đạt “người Do Thái” một cách khép kín, đồng nhất chính thân thể (hay sự hiện diện vật lí) của một người với cái biểu đạt võ đoán về anh ta. Điều này theo Goldberg, chính là bước đầu tiên để Đức Quốc Xã huỷ diệt căn tính, hư vô hoá người Do Thái trước cả khi diệt chủng họ - một hình thức biểu hiện chấn thương do kẻ huỷ diệt. Những hình thức đóng dấu căn tính đó gây nên xã hội - đương nhiên trước nhất bao gồm những nạn nhân là người Do Thái - một kiểu chấn thương liên thế hệ, một nỗi ám ảnh tuyệt đối về những biểu hiện căn tính mà người ta “tuyệt đối” không nên có.
Nhìn vào quan điểm này của Amos Goldberg, có thể thấy hai đứa trẻ tên Phương đều bị đánh dấu danh tính và chịu sự triệt phá bản ngã rõ nét trong môi trường sống và sinh hoạt. Với Phương nữ, biểu hiện chấn thương này là sâu sắc nhất. Sống với một người mẹ kiểm soát và ám ảnh với thành tích của con cái, đây là một điều bi kịch với cô bé khi mà không thể khước từ những sắp xếp “chỉ muốn tốt cho con” trong khi mong muốn một cuộc sống khác mà bản thân lựa chọn. Những bước đánh dấu của người mẹ cho cái biểu đạt “một đứa trẻ giỏi giang” được chia theo từng giai đoạn. Trước hết, bà đồng nhất cái biểu đạt về Phương và “một đứa trẻ giỏi” làm một, với mặc định trong cấu trúc hiện tượng hành vi: đứa trẻ giỏi = học đội tuyển + thi tỉnh có giải + thi đỗ trường chuyên. Với ý niệm này, người mẹ đưa ra một khái niệm biểu tượng có tính nhị nguyên về người con của mình: một đứa trẻ giỏi và đưa nó vào trong tâm thức của chính Phương như một điều tất yếu. Thậm chí, tính tuyệt đối trong biểu đạt này được củng cố bằng những diễn ngôn, tuy rằng hoàn toàn phi logic, của bà: “Vào trường chuyên, đậu đại học, lên thành phố, mua nhà…Nhất định là vậy rồi…” [tr.45]/“Con chính là tương lai của mẹ [tr.139]”. Sau ý niệm, người mẹ tiếp tục đánh dấu con mình bằng chính biểu trưng về căn cước. Bà dùng tiền, quan hệ và quyền lực của mình để đưa con vào lớp chọn trong trường, vào đội tuyển Văn, vào cuộc thi Văn cấp tỉnh. Bởi đây là hành vi không tự thân của Phương, nói rõ rằng hành vi này mang tính đàn áp và ghi đè căn cước của đứa trẻ. Cuối cùng, bằng vào đòn roi, người mẹ trực tiếp ghi lên cơ thể cô bé, nhắc nhở lại về khái niệm “đứa trẻ giỏi giang” đã nói ở trên. Hành vi gây nên chấn thương trực tiếp là cột mốc cho thấy quá trình đóng dấu hoàn thành, cô bé Phương hoàn toàn bị ám ảnh bởi biểu tượng được đặt vào bởi mẹ mình và cho dù là phản kháng hay bất lực, nó đều thể hiện một cách sống động rằng, sự đóng dấu đã thực hiện được khả năng đồng nhất con người vật lí tên Phương với biểu tượng “một đứa trẻ giỏi”. Nói cách khác, căn tính cá nhân của Phương nữ hoàn toàn bị bỏ mặc và bị đóng dấu cũng như ghi đè đã thể hiện một khía cạnh tàn nhẫn của chấn thương nơi đứa trẻ: nó bước đến con đường bị phá huỷ bản ngã một cách bất khả kháng.
Sự triệt phá bản ngã còn được thể hiện thông qua bản thân kết quả của hình dung về nhân vật Phương: tuyệt vọng trong nỗ lực tìm ra bản thân, khát khao mình là một con người khác (Phương nam) và bất lực trong việc sống là chính mình. Chính bởi sống trong một cuộc đời luôn bị định đoạt và điều khiển bởi mẹ, chính quá trình đánh dấu là một đứa trẻ giỏi giang (đương nhiên còn sự đánh dấu căn tính khác như một đứa con ngoan hay một người bạn tốt của những người xung quanh, nhưng chúng ta không bàn thêm ở đây) đã vô hiệu hoàn toàn khả năng tự biểu đạt, khả năng đi tìm kiếm những biểu đạt mới về bản thân của cô bé. Những câu hỏi của Phương nữ chính là những lời tố cáo tuyệt đối cho hành vi triệt phá bản ngã này: “Mẹ cần tôi phải không? Còn chúng ta thì sao, chúng ta có cần họ không? Sao chúng ta lại được sinh ra?” [tr.76]/ “Có thật là con không cần cố gắng không? Có thật sẽ ổn chứ?” [tr.122]/ “Nhưng tôi chẳng có gì cả! Tôi phải làm sao bây giờ?” [tr.126]. Cô bé thậm chí đã nhận thức được về sự bất lực của bản thân trong việc ngăn cản hành vi đóng dấu căn tính và triệt phá bản ngã của mình, tất cả những điều đó cuối cùng chỉ dấy lên một tiếng kêu, một lời than vọng lại sau tất cả kinh nghiệm chấn thương lẫn trải nghiệm cái chết: “Tôi sẽ sống vì những người cần tôi/ Tôi sẽ đối mặt với cuộc đời” [tr.210]. Việc phản kháng và vượt qua kinh nghiệm chấn thương của cô bé, trong một đời sống vốn bị tước đoạt đến cả căn tính, chỉ có thể dừng lại ở việc vẫn vì “người khác”, một lựa chọn bất khả kháng mang hơi hướng lạc quan chủ nghĩa để có thể tồn tại. Dù vậy, điều này vẫn thể hiện một tư tưởng hiện sinh đáng trân trọng, một ý thức phản kháng không ngừng nghỉ, một nỗi khát khao sống tuyệt đối - điều đáng nói duy nhất trên đời của triết học theo Albert Camus.
Với nhân vật Phương nam, trái ngược với bạn mình, cậu bé bản thân là một biểu trưng khớp với khái niệm “đứa trẻ giỏi giang” mà mẹ của Phương nữ đặt ra. Bản thân sự đối sánh vô tình khi đặt hai đứa trẻ cạnh nhau đã đưa tâm thức của người đọc đóng dấu căn tính của cậu bé song hành với một hệ thống đóng dấu vốn thuộc về Phương nữ. Điều này đặt ra một sự bất công khác cho Phương nam, khi được “cố ý” xây dựng nhằm nhận về câu hỏi: tại sao đã xuất sắc đến như thế lại không có mục tiêu gì? Từ mẹ của Phương nữ nhận xét: “Có đầu óc nhưng không có quyết tâm” [tr.128] cho đến chính cô bé, người bạn thân của cậu: “Mọi chuyện đối với ông quá dễ dàng mà” [tr.126]. Sự đóng dấu căn tính ấy diễn ra theo một chiều mà dù cậu có phản kháng bởi hành động hay lời nói đều không thể thay đổi. Trước khi nghe Phương nữ thốt lên lời nói mang tính đóng dấu nói trên, Phương nam đã dựa vào những khả dĩ về việc một người bạn hiểu mình cùng lời chia sẻ: “Những đau khổ của mình, không ai gánh chịu giùm, nhưng lại không cho mình từ bỏ. Cuộc đời của mình cơ mà, tại sao không cho mình định đoạt” [tr.79]. Nỗi tuyệt vọng cùng nỗi sợ hãi về việc hành quyết công khai, như đã đề cập, đẩy Phương nam đến việc lựa chọn bảo lưu danh tính dưới một biểu đạt khác do cậu bé chú tâm vun đắp: “Nếu có thứ gì đó trên đời mà mình muốn làm…thì đó là những việc có thể làm vì Phương (nữ)” [tr.125]. Có lẽ trong tâm thức cậu bé, sống kí thác vào cô bé Phương thì chỉ cần cô bé tốt lên cuộc đời của cậu cũng sẽ hạnh phúc, sẽ tốt lên theo. Đó là một suy nghĩ vô cùng thơ ngây, nhưng lại biểu hiện cho sự bất lực tận cùng của một con người mang chấn thương căn tính.
Sự triệt phá bản ngã đối với Phương nam cũng trở thành một sự liên đới, cậu bé luôn bị so sánh và trở thành một kiểu mẫu. Điều này gây ra sự tiêu cực trong tiếp nhận, bởi nếu một kiểu mẫu bị sai lệch sẽ gây ra sự khó chịu đối với tâm thức tiếp nhận, đồng thời cũng tác động ngược tới nhận thức về nhân vật. Có thể thấy việc nhận sự đánh dấu một cách thụ động cũng mang tới sự triệt phá bản ngã thụ động. Sự triệt phá bản ngã này nhìn rõ hơn trong một đánh dấu khác mà Phương nam nhận lấy, bị người cha hoán dụ với người mẹ đã mất. Hoán dụ ở đây, theo lí thuyết của Lacan: “...hoán dụ trong đời sống tâm lý của chủ thể là một quá trình mà chủ thể không ngừng dấn vào cuộc kiếm tìm một cái biểu đạt thích hợp với mình – một cuộc kiếm tìm không bao giờ có thể đạt được.” (Amos Goldberg, [2]). Cha của Phương nam trở nên đau đớn tuyệt vọng sau cái chết của vợ, nghiện rượu và bỏ bê con trai mình. Bởi nỗi nhớ vợ không nguôi mà ông bỏ mặc đứa con, phủ nhận sự tồn tại và tầm quan trọng của nó với bản thân. Điều này cũng đồng nghĩa xoá đi căn tính của Phương nam trong mối quan hệ với người cha ruột thịt của mình, một sự tàn nhẫn lớn đối với bản thân đứa trẻ đã không còn mẹ, không người thân thích khác. Tiếp đến, trong khi cậu bé đang cần lựa chọn giữa được tuyển thẳng trên thành phố và ở lại nơi quê nhà, câu đầu tiên người cha nói với Phương nam là: “Con đẹp như mẹ vậy” [tr.152]. Sự sợ hãi rời xa đứa con lại chính là vì nó mang sự đánh dấu hình dung biểu đạt về vợ của mình, sự phủ nhận bản ngã và ghi đè biểu trưng căn tính của cha Phương nam đã góp phần đẩy cậu vào vòng xoáy tuyệt vọng và bước tới con đường tự tử.
Diễn xuất (enactment) chấn thương là một cái nhìn trong mối quan hệ giữa tự sự và chấn thương mà trong đó, theo Amos Goldberg: “Tự sự chấn thương, trong hình thức và phương thức trần thuật của nó, đều diễn xuất lại cái sự kiện chấn thương nguyên uỷ” (Amos Goldberg, [2]). Thực tế, cụm từ diễn xuất xuất hiện trong chuyên luận “Tự sự như một hình thức lặp lại: trường hợp Mèo và Chuột của Günter Grass”, nó cho thấy một tự sự có thể được kể lại thông qua việc lặp lại hành động thuộc về sự kiện người đó định kể. Trong đó “cách thức tự sự trở thành một hành vi và tái biểu diễn có thể được nhìn thấy qua những sự tương đồng giữa quá trình kể chuyện và các sự kiện trong câu chuyện” (Shlomith Rimmon-Kenan, tr.177 [4]). Trong trường hợp gắn với tự sự chấn thương, có thể hiểu rằng người kể chuyện dựa trên khả năng và kĩ thuật kể để tái hiện lại sự kiện chấn thương gốc của nhân vật, hay của câu chuyện. Nhìn từ góc độ lí luận, có thể coi đây là thi pháp tự sự chấn thương của một văn bản và thông qua nhìn nhận diễn xuất chấn thương, có thể tìm ra được những khả thể về một hướng tiếp nhận nội dung tự sự chấn thương.
“Mùa hè bất tận”, với đặc điểm thể loại là truyện tranh, mang một nét thi pháp tự sự riêng trong biểu hiện chấn thương. Từ cách tiếp nhận một tự sự đa phương tiện, có thể thấy những thành tố thuộc cấu trúc tự sự từ sự kiện, người kể chuyện và điểm nhìn cùng phương thức tự sự đều có những đặc sắc mang dấu ấn của tác giả Lâm Hoàng Trúc.
Sự kiện trong tác phẩm, với một chuỗi các sự kiện được dẫn dắt bằng cả kênh lời và kênh hình ảnh qua những sắp xếp có tính chủ đích của tác giả. Câu chuyện về tuổi học trò của hai đứa trẻ được phân nhỏ theo cấu trúc kể song hành đa tuyến, vận dụng các cách tổ chức truyện kể như kéo dài chuyện kể, xâu chuỗi nhằm đa dạng hóa trải nghiệm đọc tự sự. Giả dụ, tác giả xâu chuỗi các hành động, các hình dung về hai nhân vật qua việc ngay sau các frame về Phương nữ cùng gia đình (trang 12), lập tức phá vỡ trình tự kể để chuyển sang frame về Phương nam (trang 13). Sự dịch chuyển điểm nhìn mang tính đứt gãy về tiếp nhận lại tạo ra cảm thức về sự gắn bó giữa đời sống của hai nhân vật, cho thấy một hình dung về sự giao thoa trong đời sống nhân vật và tiếp tục dẫn dắt tiến triển cho mạch truyện. Lối kể có tính xâu chuỗi cùng những thủ pháp phá vỡ trình tự thời gian (hồi cố) được diễn ra xuyên suốt truyện, góp phần nâng cao khả năng trình hiện của các sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện chung. Sự sắp xếp mang tính ý đồ đã củng cố thêm sự đánh dấu nhân vật, chồng chéo cảm quan về chấn thương giữa hai nhân vật đứa trẻ. Thêm vào đó, có một hình thức trình bày sự kiện thú vị được Lâm Hoàng Trúc sử dụng trong Mùa hè bất tận, đó là sử dụng các tên chương như là một dự báo về sự kiện, đồng thời liên văn bản trong sử dụng tên các bài hát trở thành tên chương. Lần lượt tên các chương gồm: 1. Em là hoa hồng nhỏ - 2. Buồn ơi, chào mi! - 3. Ước gì - 4. Tia nắng, hạt mưa - 5. Hãy ngước mặt nhìn đời - 6. Em về tinh khôi tạo một hình dung biểu đạt có tính dự báo logic trong tiếp nhận. Các chương tương ứng với sự phát triển của mạch truyện, từ những đứa bé hồn nhiên (1) đến sự chạm tới những bất an và nỗi buồn của đời sống (2), tiếp đến là những khát khao bởi sự bất lực và bất toàn của bản thân (3), sự nhận thức về đối nghịch trong đời sống phân tách hình dung vốn hài hòa về hai đứa trẻ (4) cho đến những lựa chọn quyết liệt (5) và cuối cùng là sự phục hồi mang tính nhất định (6). Tác giả, với trải nghiệm cá nhân của người kể, đã chia sẻ rằng chị đưa những ca khúc mình thích nhất, thể hiện bản sắc dân tộc: “dung hòa giữa thực tế và mang tính trình diễn, đó là thử thách mà tôi luôn muốn vượt qua” (lời bạt). Việc thể hiện chấn thương mang tính cá nhân, được gửi gắm qua cảm quan và lăng kính cá nhân của tác giả, tạo nên sự gần gũi trong tiếp nhận của người đọc.
Tác giả lựa chọn người kể chuyện ngôi thứ ba, với hình thức giấu mặt và mượn điểm nhìn của các nhân vật để trình hiện một cách chân thực những biểu trưng về chấn thương. Từ chối sử dụng độc thoại nội tâm, đặt điểm nhìn của Phương nam để lắng nghe những tâm sự, để nhìn thấy những hành động từ Phương nữ và ngược lại, người đọc phải cố tìm để thỏa mãn những suy đoán về tâm trạng, về suy nghĩ và về những nỗi đau mà các em phải chịu. Thực hành về dịch chuyển và lựa chọn điểm nhìn này cho thấy một cấu trúc tự sự phức tạp hơn, làm đa dạng các ý thức hệ từ đó mở ra những khoảng trống kiến tạo nghĩa cho những chấn thương và giúp người đọc trải nghiệm nhiều hệ ý thức phục vụ đối sánh và phân tích. Nhìn từ phía tác giả, diễn xuất chấn thương của nhân vật được lấy chính từ chấn thương cuộc đời của chị: “Chị từng thắc mắc vì sao phải cố gắng học giỏi, vì sao chưa bao giờ dám đi học trễ, vì sao giáo viên chèn ép học sinh, vì sao nhà trường luôn đặt 2 chữ danh dự lên trên tất cả kể cả sinh mạng của học trò, vì sao ba mẹ phải quay cuồng kiếm sống, vì sao đứa thì có tất cả, đứa thì không có gì. Hai đứa Phương trong truyện của chị bị đặt quá nhiều kì vọng nhưng tuyệt nhiên không có một bàn tay nào đủ vững chắc để dắt tụi nó đi đúng đường. Chị đặt bản thân mình vào 2 đứa nó, ngoài giới hạn đạo đức cơ bản ra thì những thứ còn lại đều phải tự mình mò mẫm.” (Chia sẻ cá nhân từ Lâm Hoàng Trúc). Lựa chọn kể lại từ những điều xung quanh mình, đem chấn thương của mình hòa vào với nhân vật đã mang đến sự chân thực và ám ảnh trong khi kể chuyện của tác giả.
Phương thức kể là một đặc trưng thể hiện rõ nhất phong cách kể chuyện của mỗi tác giả, với truyện tranh, đây là một yếu tố có thể nhìn được khá rõ nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phạm vi nhận diện về thể loại cao. Lời kể được trình hiện qua khả năng sắp xếp các frame theo một dụng tâm nhất định, tạo ra nhịp điệu tự sự, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc để có thể tạo ra những nhịp điệu tự sự đặc trưng, các khoảng trống cảm xúc mang tính “tĩnh tại” mà kết quả của nó, như Barthes nói: “góp phần tạo ra ảo giác về tính chân thực của những điều đang diễn ra, làm tăng chất hiện thực cho câu chuyện”. Việc xử lí các frame có thể diễn ra theo nhiều cách nhằm tạo ra nhịp điệu trần thuật cho truyện tranh, bao gồm: tốc độ tự sự, điểm rơi cảm xúc; việc xử lí các chất liệu của truyện tranh. Đối với tự sự chấn thương, việc chú trọng vào nhịp điệu cảm xúc nhằm dẫn xuất những diễn tiến tâm lí của nhân vật là điều quan trọng không thể bỏ qua. Nhịp điệu tự sự của Mùa hè bất tận, ảnh hưởng bởi sự u ám bao trùm, diễn ra khá chậm và có sự ngắt quãng. Sự kéo giãn thời gian của một sự kiện rồi lập tức di chuyển sang sự kiện tiếp theo tạo nên một bước hụt cho người đọc và đồng thời làm dâng lên một cảm giác bí bách, ngột ngạt khó mà diễn tả. Sự chới với và bất khả mang ám ảnh chấn thương của nhân vật theo đó được truyền vào tâm thức tiếp nhận, làm mờ đi lằn ranh giữa ý niệm về tác phẩm và cảm nhận thân thể của người tiếp nhận. Người đọc bởi chính diễn xuất tự sự chấn thương về hai đứa trẻ tên Phương đồng thời trải qua kinh nghiệm tiếp nhận một tự sự theo “kiểu” gây chấn thương lại càng chồng chéo trong nhận thức và tạo nên hiệu ứng đồng cảm có phần “ép buộc” dựa trên những quy chuẩn của tâm thức. Điều này không phải một sự tiêu cực trong tiếp nhận, ít nhất nó thể hiện sự thật rằng chấn thương của nhân vật là một điều gì đó có ý nghĩa, có giá trị và có khả năng tác động nhất định tới người tiếp nhận tác phẩm. Trong Mùa hè bất tận, lời kể của người kể chuyện cũng không được sử dụng mà dẫn dắt bởi chính hành động cùng lời nói của nhân vật cũng góp phần làm nhòe đi ranh hiện diện của người kể, đưa người đọc tới gần với nhân vật và những chấn thương của họ.
“Nó vạch ra một lằn ranh sắc nét đánh dấu cái “trước đó” và “sau đó”: thế giới trước đó là thế giới trước khi con người sa ngã, là bản ngã mà ta biết; thế giới “sau đó” là tàn tích còn lại của một thế giới đời sống đã bị phá hủy.” (Anna Goblit, Chấn thương và chuyện kể, [3]).
Sự tàn nhẫn của chấn thương nằm ở chỗ, nó có khả năng tái diễn trong tâm thức của người từng gặp phải. Cathy Cruth chú ý đến tính không đồng hóa được của chấn thương dẫn đến hiện tượng tái lặp lại giống như là nỗi ám ảnh của nó: “những sự kiện đột ngột hay thảm họa mà phản ứng đối với sự kiện đó thường xuất hiện dưới dạng ảo giác và các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái diễn một cách không kiểm soát được” (Caruth, 1996, p.11[1]). Bởi sự tàn phá hoàn toàn của chấn thương, thế giới của nạn nhân trở thành một nơi vụn vỡ và khó để cứu chữa được. Tự sự chấn thương vì thế đồng thời kể về: “...bản chất không thể chịu đựng nổi của một sự kiện và bản chất không thể chịu đựng nổi của ngay cả việc còn sống sót sau sự kiện đó”. (Cathy Caruth [1]).
Đối với Phương nữ, nếu coi tất cả những sự kìm kẹp, những kiểm soát của người mẹ cùng những thất vọng chán chường của cuộc đời dành cho em tạo nên quá trình chấn thương thì điểm kết thúc của quá trình đó của nó có lẽ là khi Phương nữ tìm đến Phương nam tại bệnh viện. Lúc này chấn thương vốn đã tàn phá từ bản ngã đến ý chí của em, nhưng cô bé vốn ngây thơ trong sáng vẫn còn một thế giới sâu kín chưa bị chạm tới, đó là thế giới nơi có Phương nam, có những con người mà em trân quý và tự kiến tạo những hình dung tốt đẹp về họ như bố mẹ hay chị gái. Bởi chính bản chất thơ ngây của Phương nữ, như tác giả trả lời: “Còn Phương gái, nó vẫn sẽ vô tư mà sống cho dù hoàn cảnh có thế nào. Đầu óc đơn giản, sẽ trưởng thành theo thời gian và cố gắng thích nghi để sống hạnh phúc.”, em có thể sống sót và tiếp tục hồi phục trong thế giới hậu chấn thương, theo đúng cách mà Anna Gotlib gọi là lạc quan chủ nghĩa. Đây là một sự đặc biệt bởi không phải ai cũng có một tâm hồn và bản chất bất khả xâm phạm dù có bị đóng dấu căn tính lẫn phá triệt bản ngã như vậy, phần vô thức đã cứu vớt em và cũng đồng thời cứu vớt cả Phương nam. Vì vậy nên dù trải qua chấn thương, dù hoang mang và không biết phải làm gì trong một thế giới hậu chấn thương thì em vẫn đi thăm bạn mình ở bệnh viện, vẫn mỉm cười khi gặp bạn và thích thú khi Phương nam rủ em ra biển. Dù bên trong sự ngây thơ đó vẫn hiện rõ tàn tích của một thế giới thơ trẻ bị tàn phá bởi chấn thương như nụ cười trừ khi nhắc về mẹ sau khi được rủ ra biển: “Tôi đã không còn lo về mẹ nữa rồi”, hay sự bất định và hoang mang khi chứng kiến Phương bước gần đến sự chết: “Đi chơi với tôi làm ông không thấy vui sao?” [tr.195]/ “Chắc chắn phải có điều gì trên đời mà ông muốn làm. Chắc chắn sẽ có điều gì đó làm ông hối tiếc, Phương!”[tr.196] cùng bản thân lựa chọn hành vi đi cùng với Phương tới thế giới của cái chết. Sự vô tư hồn nhiên níu giữ lăng kính của em với đời sống, nhưng nó dường như không thay đổi được một thế giới còn lại trong Phương nữ đã vỡ vụn và sự vô tư liên đới trở thành nỗi mặc kệ tất thảy. Những câu nói sau khi được giành lại khỏi sự giải thoát nỗi ám ảnh chấn thương - cái chết - của Phương nữ cũng thể hiện bản chất tan vỡ không trọn vẹn này: “Tôi sẽ ở lại đây. Tôi sẽ sống vì những người cần tôi. Không đi theo ai hết. Tôi sẽ đối mặt với cuộc đời.” [tr.212]. Em vừa nỗ lực phản kháng lại sự bất toàn hậu chấn thương, vừa vẫn chưa đủ khả năng và hiểu biết để hoàn toàn thay đổi mọi thứ. Nhưng những điều đó dường như không quan trọng, bởi lẽ, ít nhất nó đã cho thấy ý thức phản kháng lại với hình thức chết đồng thời cho thấy khả năng phục hồi hậu chấn thương.
Đối với Phương nam, những gì phải đối mặt hậu chấn thương phức tạp hơn nhiều. Cậu bé với sự bủa vây của hoàn cảnh gia đình, nỗi đau mất mát cùng sự trưởng thành sớm cũng như bản tính trầm lắng, đáng buồn thay Phương nam không có cơ chế “thơ ngây” như bạn mình, đã thực sự trở thành biểu trưng của một chấn thương sâu sắc. Có thể thấy rằng giai đoạn tạo thành chấn thương kết thúc sau khi Phương nam lựa chọn tiếp tục sống và sống vì cô bạn Phương của mình. Đây là một phản ánh cực độ về nỗi đau hậu chấn thương, cậu bé sau khi bị triệt để phá huỷ căn tính và ý chí chỉ có thể tiếp tục tìm cho mình một mục đích sống ngoài bản thân. Dường như sự bảo lưu căn tính dưới một biểu đạt khác không phải là lựa chọn duy nhất mà lại là một điều cậu bé “bị ép” phải lựa chọn bởi người bạn của mình. Thế giới hậu chấn thương của Phương nam, đáng buồn thay lại là một chấn thương khác mang tính tiếp diễn cộng hưởng cùng sự tái diễn của chấn thương nguyên uỷ. Tuy thế, không thể vì vậy mà đưa ra một chỉ trích hay một lời khuyên can nào cho cậu bé, bởi vẫn như cậu nói, để “cho mình định đoạt” [tr.73]. Vả chăng, ít nhất cho đến thời điểm kết thúc câu chuyện, đó là điều đã và sẽ tiếp tục níu giữ Phương nam ở lại với cuộc đời. Nó có lẽ không giúp cuộc sống của cậu bé trở nên dễ dàng hơn, nhưng lại trực tiếp níu giữ cậu ở lại với cuộc đời này, để còn lại đâu đó những xác suất phục hồi hậu chấn thương chứ không phải đưa nó về với con số không tròn trĩnh. Cần phải có sự thông cảm bởi những chấn thương mang tính “vượt ngưỡng” sâu sắc này được trải nghiệm bằng sự non nớt của những đứa trẻ còn chưa hoàn thiện quá trình trưởng thành. Và cũng vì thế, những chấn thương cùng hậu chấn thương luôn cần được nhìn dưới một cái nhìn bao dung, thấu cảm để trở thành một kiểu loại dẫn xuất cho những thực hành đời sống khác nhau: “ những câu chuyện sâu sắc hơn về việc chúng ta là ai, chúng ta có giá trị như thế nào và làm sao chúng ta có thể sống “sau” chấn thương.” (Anna Goblit, Chấn thương và chuyện kể, [3]).
“Rất nhiều những đứa bị ép sống trong khuôn mẫu đó, để rồi đến năm 18 tuổi đột ngột bị quăng ra đời, không có ai nói cho chúng biết phải làm gì tiếp theo. Những đứa trẻ bị tước đoạt quyền tự quyết - nguỵ trang dưới lớp vỏ bọc “tuổi thơ êm đềm sung sướng”, chưa được rèn luyện khả năng ứng phó với xã hội nhiễu nhương, lại bị xã hội đòi hỏi không được phép sai lầm. Trói chặt đứa trẻ trong tay, rồi bắt nó phải biết nhìn xa trông rộng. Những người lớn đầy mâu thuẫn sẽ tiếp tục đòi hỏi đám trẻ con những điều mâu thuẫn, và thế hệ tiếp theo vẫn không rút ra được kinh nghiệm nào.” (Phỏng vấn tác giả Lâm Hoàng Trúc)
Là một tác phẩm truyện tranh hiếm hoi quan tâm đến những chiều kích tinh thần sâu sắc của tuổi học trò, Mùa hè bất tận đã trình hiện một cách nhân văn về những chấn thương gây ám ảnh đối với hai nhân vật tên Phương. Cảm thức về chấn thương, qua đó được kể lại bằng trải nghiệm chấn thương và cho thấy từ những khởi nguồn, các vấn đề biểu hiện cho đến diễn xuất chấn thương. Sau tất cả, tự sự chấn thương khơi nên những suy tư về thế giới chấn thương và hậu chấn thương không phải chỉ để nhận diện hay cảm thông, mà còn để tiếng kêu cứu nơi chấn thương vang vọng đến thế giới và để nơi con người chịu chấn thương tìm thấy một lối ra hồi phục. Nghiên cứu thực hành đọc và phân tích tự sự chấn thương bởi vậy, là một lối đi có tính cấp thiết cần được chú trọng cũng như đào sâu hơn nữa.
Tài liệu tham khảo