0936 678 231 - 0932 585 431

NSND Nguyễn Mạnh Hùng: Giới trẻ yêu thích cải lương nhờ khúc tráng ca bi hùng của lịch sử dân tộc

Ngày 27/04/2024

Những năm gần đây, các đơn vị sân khấu cải lương đã tích cực dàn dựng những vở diễn về đề tài cách mạng, lịch sử. Đã có nhiều kịch bản hay cũng như cách thể hiện mới mẻ của chính diễn viên làm nên những vở diễn xúc động. Và với NSND Nguyễn Mạnh Hùng cũng là một trong những diễn viên tài năng đối với nghệ thuật cải lương nước nhà.

Trong dịp nhận danh hiệu NSND cùng với bố của mình là NSND Nguyễn Thanh Tùng, NSND Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ thẳng thắn về nghề nghiệp cũng như ước mơ, áp lực riêng của chính bản thân anh với nghệ thuật cải lương.

- Chào NSND Nguyễn Mạnh Hùng, được nhận danh hiệu cao quý cùng với chính người bố của mình, anh cảm thấy như thế nào?

Trong khoảnh khắc nhận giải mình rất tự hào nhưng nhìn lại thì mình được gọi là "con nhà nòi", theo cả bố và mẹ học cải lương, đến tận giờ được danh hiệu này cũng nhờ ơn bố mình chỉ dạy rất nhiều. 

Có thể nói rằng, đối với nghệ thuật cải lương thời điểm này cũng có rất nhiều đề tài hấp dẫn nhưng bản thân Hùng vẫn thích những vở diễn mang tính lịch sử để có thể viết thêm những trang sử hào hùng bằng ngôn ngữ nghệ thuật, để những thế hệ sau hiểu hơn về những người đã ngã xuống cho độc lập vẻ vang của dân tộc.

- Những vở diễn nào khiến anh tự hào nhất?

Khi bắt đầu đến với bộ môn nghệ thuật cải lương, Mạnh Hùng cũng khá mặc cảm và tự tin vì sắc vóc của mình. Tuy nhiên được sự giao phó của chính giám đốc nhà hát, Hùng đều được giao vai chính của các vở diễn. Để hóa thân vào vai diễn chính, diễn viên phải nỗ lực hơn các đồng nghiệp rất nhiều, trong khi thù lao chỉ nhỉnh hơn chút xíu. Dù vất vả, mệt nhọc nhưng mình còn có cơ hội để lại dấu ấn trong sự nghiệp, mà đó mới là điều quan trọng đối với một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. 

Mạnh Hùng đã từng hóa thân vào hầu hết các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Quang Trung - Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, kể cả vai Bác Hồ. Tuy nhiên, anh thích những vai diễn trong một vài năm gần đây hơn cả vì đó đánh dấu sự chín muồi về giọng cũng như khả năng diễn xuất đó chính là vai sư tổ Huyền Quang trong “Cung phi Điểm Bích”, một người đã đi gần đến cái đích của chân tu thì gặp một cô gái xinh đẹp, tài giỏi lại yêu mình tha thiết và quyết tìm mọi cách giữ mình ở lại với cuộc đời trần tục.

Bên cạnh đấy, có vai Lý Thường Kiệt trong “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, một người anh hùng đã hy sinh cuộc đời riêng tư với nhiều khát vọng về tình yêu để cống hiến cho non sông đất nước. Vai diễn này đã mang lại cho tôi một huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Đặc biệt trong vai Lê Lợi ở vở “Gươm thiêng trao trả hồ thần”, một vai diễn đã khiến bản thân tôi lao tâm khổ tứ, nhưng bù lại vai diễn mang lại cho tôi giải Vàng của Hội nghệ sĩ Sân khấu năm 2010.Hay gần đây nhất là vở diễn "Nợ nước non" của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

- Có nhiều người cho rằng, theo cải lương hay các môn nghệ thuật truyền thống thì khó có thể đảm bảo được cuộc sống của chính gia đình trong thời đại mới. Anh có cho rằng điều đó đã làm giảm đi nhiệt huyết không chỉ đối với nghệ sĩ cải lương mà còn đối với nhiều nghệ sĩ ở lĩnh vực khác?

Những câu nói đó có thể đúng, nhưng chưa đầy đủ. Nếu bạn đủ giỏi và đủ sức lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống thì bạn không lo là không có người tiếp nhận. Tôi đồng ý là ở thời đại này, việc đảm bảo kinh tế lớn hơn bao giờ hết, nhưng khi bạn đủ tình yêu thì với nhiều vai diễn khác nhau, nhiều cách khác nhau bạn có thể lo đủ kinh tế để phục vụ đam mê và từ đam mê bạn có thể giảng dạy, hướng dẫn cho thế hệ trẻ yêu hơn bộ môn nghệ thuật cải lương mà bạn đang theo đuổi.

Tôi cho rằng hiện nay, cải lương đã phần nào đến gần hơn được với giới trẻ, công chúng. Sẽ xuất hiện thêm những bạn trẻ yêu, đam mê bộ môn này để tìm cách bảo tồn, gìn giữ, phát huy nó.

- Theo anh, có nhiều khán giả trẻ quan tâm tới cải lương không?

Chúng tôi làm nghề, đều đau đáu mục đích đem cải lương đến gần lớp trẻ nhưng chính vai diễn hay vở diễn của diễn viên hay nhà hát phải cuốn. Đặc biệt để giữ chân người trẻ ở lại từ 2-3 tiếng cho xong vở diễn là điều càng khó, chính vì thế chinh phục bộ phận giới trẻ là điều cần làm. 

Sân khấu là một chuỗi những bài học sâu sắc về cuộc sống nên nếu hời hợt xem nhanh chóng thì không thể hiểu hết. Để hòa đồng giữa sân khấu và giới trẻ thì tôi cho rằng chúng ta cần làm cách riêng, có những tác phẩm phục vụ đúng nhu cầu của giới trẻ, đúng những tác phẩm hướng đến giới trẻ.

Hiện nay, khi tôi đang sinh hoạt tại Nhà hát cải lương Trung ương tôi thấy rằng lớp trẻ theo nghề còn rất ít, đặc biệt các tài năng của cải lương rất ít. Trong số đó đầu tiên phải làm nghề đã sau mới học lên đạo diễn, nhưng lứa trẻ không được nhiều. Các đoàn tỉnh thiếu trầm trọng diễn viên.

Ai cũng khát khao phải làm thế nào để nghệ thuật của mình được thăng hoa, hiếm lĩnh được vị trí trang trọng trong đời sống xã hội thì điều đó không hề dễ dàng. 

2 cha con NSND Nguyễn Thanh Tùng (bên phải) và Nguyễn Mạnh Hùng (bên trái) nhận danh hiệu NSND

- Vậy theo anh, việc các nhà hát khó thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, vì sao?

Tình hình chung của sân khấu hiện nay là bán vé rất khó, nhất là ở miền Bắc vì chi phí khá cao lại thêm thời lượng quá dài, chưa kể đến kinh phí cho diễn viên. Để bán vé thu lại thì rất khó, nên phải tìm được nguồn kinh phí vận hành. Chính vì thế, việc thúc đẩy cho nền nghệ thuật cải lương cần có sự chung tay của nhiều người và của nhiền đơn vị. Tất cả phải cùng đồng tâm nhất trí thì mới tốt lên được, trong đó chú trọng thêm về việc có kịch bản hay, cách dàn dựng hấp dẫn thì dàn diễn viên phải có sự hóa thân vào nhân vật sao cho truyền cảm xúc được đến khán giả. Muốn vậy, các nghệ sỹ cần có sự tìm tòi, sáng tạo và đặt mình vào bối cảnh lịch sử của câu chuyện....

- Có nhiều người cho rằng, cải lương là những khúc tráng ca về lịch sử, khi đã hoàn thành lịch sử thì nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Vậy nên việc càng ngày càng ít người theo nghề hát cải lương, anh thấy sao về điều này?

Nếu là khúc tráng ca thì phải có cả phần bi và phần hùng, tôi cho rằng thế hệ xưa như của NSND Nguyễn Thanh Tùng (bố tôi) hay các lớp cha ông trước đã cống hiến quá nhiều cho nền nghệ thuật cải lương. Thì đến thế hệ chúng tôi phải tạo nên bản hùng ca bất diệt cho chính môn nghệ thuật này.

Những vở diễn cải lương lấy được sự yêu mến của khán giả nhờ chất bi hùng tráng bởi những khổ đau của nhân vật xuất phát từ lý tưởng lớn lao. Đã có nhiều kịch bản hay, cách thể hiện mới mẻ làm nên những vở diễn xúc động. Tôi nghĩ rằng khi khán giả đã yêu mến cải lương thì họ cũng sẽ rộng lòng với những đề tài khác nhau như xã hội, chiến tranh, cách mạng… Bởi cái hồn cốt của vở diễn vẫn là những bài bản cải lương mà khán giả yêu thích.

Cải lương hấp dẫn ở những lời ca, câu thoại, nét diễn mùi mẫn, lấy nước mắt khán giả nhưng bi kịch và bi hùng kịch sẽ mang tới những trải nghiệm khác nhau.

Khi đã có kịch bản hay, cách dàn dựng hấp dẫn thì dàn diễn viên phải có sự hóa thân vào nhân vật sao cho truyền cảm xúc được đến khán giả. Muốn vậy, các nghệ sỹ cần có sự tìm tòi, sáng tạo và đặt mình vào bối cảnh lịch sử của câu chuyện, đó mới chính là sự hấp dẫn của cải lương mà chúng ta muốn truyền thụ cho thế hệ mai sau.

Cảm ơn anh về những chia sẻ.

Dạ Thảo
 

Tin tức khác

Zalo phone Hotline