0936 678 231 - 0932 585 431

Hương vị Thành Nam: Nỗ lực gìn giữ và lan tỏa từ Hiệp hội Văn hóa ẩm thực

Ngày 04/09/2024

Văn hóa ẩm thực là một trong những điều nổi bật mà mỗi du khách luôn nghĩ tới khi đến với Việt Nam. Với sứ mệnh bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực quê hương, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định luôn tích cực đa dạng hóa hoạt động, gắn ẩm thực với văn hóa, du lịch, xã hội và song hành với sự phát triển kinh tế tỉnh nhà. 

Tôn vinh văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch

Nam Định là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế bởi những cảnh đẹp thiên nhiên, những di tích lịch sử văn hóa trường tồn theo thời gian. Nổi bật là những di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh như: Đền Trần Nam Định, biển Thịnh Long, cửa Ba Lạt, khu phố cổ Nam Định hay tháp Phổ Minh... đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua.

Bà Lê Thị Thiết – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Nam Định (Ngoài cùng bên trái) và các Đại sứ về tham dự Ngày của phở năm 2022 tại Nam Định

Bên cạnh đó, Nam Định còn được biết đến là tỉnh lưu giữ nhiều công trình nhà thờ công giáo đặc sắc nhất Việt Nam. Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, những công trình này mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc phương Tây và còn tồn tại đến ngày nay.

Bên cạnh những cảnh quan và di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực phong phú và đặc sắc cũng là một trong những giá trị giúp Nam Định thu hút và giữ chân du khách. Có thể nói, ẩm thực chính là một trong những tài nguyên du lịch quan trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Nam Định – Lê Thị Thiết

Hiểu được điều đó, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định đã xây dựng định hướng phát triển du lịch gắn liền với việc tôn vinh văn hóa ẩm thực địa phương. Mục tiêu hướng đến là tạo mối quan hệ cộng hưởng, quảng bá văn hóa ẩm thực đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước thông qua du lịch. Đồng thời, ẩm thực sẽ trở thành "chìa khóa" mang đến sự hài lòng và ấn tượng khó quên cho du khách khi đến với mảnh đất Thành Nam. 

Trong năm 2024, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định vẫn tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng phát triển du lịch gắn liền với ẩm thực. Cụ thể, Hiệp hội sẽ tích cực quảng bá ẩm thực đến du khách, đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm ẩm thực đặc sắc.

Nhà Nghiên cứu Văn hóa Ẩm thực Nguyễn Nhã tặng cuốn Phở Việt để đồng hành câu chuyện mang phở sang Malaysia giới thiệu

Chia sẻ về định hướng này, bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định cho biết: “Sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Nam Định đã khiến nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức đặc sản trở thành tiêu chí hàng đầu để du khách chọn lựa khi khám phá và trải nghiệm du lịch tại đây. Bởi lẽ, du khách không chỉ được thưởng thức vị ngon, hương vị độc đáo của từng món ăn, mà còn được khám phá câu chuyện về nguyên liệu, cách chế biến và ý nghĩa của chúng. Tất cả sẽ mang đến những giá trị tinh thần, nâng cao sự thú vị cho mỗi chuyến tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch của du khách”.

Đến nay, ẩm thực Nam Định vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống của ẩm thực Việt xưa. Nhiều món ăn có nguồn gốc từ Nam Định đã trở thành “món nhận diện thương hiệu” với công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là du khách quốc tế khi đến với Việt Nam. 

Bà Lê Thị Thiết và niềm đam mê với Văn hóa Ẩm thực

Văn hóa ẩm thực Nam Định - Hồn cốt ẩm thực Việt 

Đầu tiên phải kể đến phở bò, món ăn sáng không thể thiếu của đông đảo người dân Việt Nam. Vào tháng 9/2007, phở - món ăn nổi tiếng của người Việt đã chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary). Ở Nam Định, phở có nguồn gốc từ làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, Nam Trực), nổi tiếng với dòng họ Cồ đã mang nghề nấu phở gia truyền đi khắp mọi nơi sinh cơ lập nghiệp.

Phở Nam Định được bắt nguồn từ tập tục ăn uống của người dân địa phương, đặc biệt nghề phở ở đây rất phổ biến, đặc trưng ở vùng Nam Trực. Tại xã Đồng Sơn có tới ba thôn: Vân Cù, Giao Cù và Tây Lạc còn hiện hữu rất nhiều đời nấu phở. Người dân làng Tây Lạc và Giao Cù là những người thợ đi khắp 63 tỉnh thành để mở quán phở, nấu phở thuê, trong khi một số hộ gia đình khác lại chọn phát triển nghề ngay tại địa phương.

Ẩm thực trong Lễ hội đền Gin – Một Lễ hội thi ẩm thực độc đáo của tỉnh Nam Định

Phổ biến nhất là phở Giao Cù hiện đang phát triển dọc tuyến đường quốc lộ của huyện Nam Trực. Riêng tại làng Vân Cù, có tới 90% người dân làm nghề phở và nhiều người đã lan tỏa, kinh doanh phát triển hiệu quả tại các thành phố lớn như: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến ngày nay, phở Cổ Nam Định vẫn luôn là món ăn trường tồn với thời gian, lưu giữ được những giá trị vốn có mà người sáng lập đã thổi hồn vào đó. Hiện nay, ở Nam Định có khoảng 500 quán phở.

Cùng với đó, 2 món ăn là nem nắm Giao Thủy và bánh cuốn làng Kênh được xếp vào “Top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam”; 2 sản phẩm nước mắm Sa Châu và gạo tám xoan Hải Hậu được chọn vào “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam”. Cho đến những thức quà quê như xôi kê, bánh dày, bánh cuốn, bánh xíu páo…từ lâu đã trở thành nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Nam Định nói riêng và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung.

Chính vì vậy, phở Nam Định không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn đáp ứng đầy đủ các yếu tố phản ánh sự đa dạng văn hóa, thể hiện được bản sắc văn hóa của vùng đất Thành Nam. Sự ra đời và tồn tại của phở Nam Định chính là minh chứng cho tinh thần sáng tạo mang tính cộng đồng của con người nơi đây được phát huy và kế thừa qua nhiều đời. Cũng bởi lẽ đó, Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo Quyết định, Tri thức dân gian Phở Nam Định (tỉnh Nam Định) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tri thức dân gian.

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định, bà Lê Thị Thiết chia sẻ: “Những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống ấy là nền tảng cho Hiệp hội gìn giữ, phát huy và phát triển. Đó còn là niềm tự hào của mảnh đất Thành Nam”.

Ẩm thực Nam Định trong đời sống văn hóa tín ngưỡng

Người dân xem biểu diễn múa rối nước tại lễ hội

Ở Việt Nam ta, đặc sắc văn hóa ẩm thực mỗi vùng miền còn thể hiện qua vật phẩm dâng lên các vị thần, thánh trong mỗi dịp lễ hội. Từ lâu, lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Giầy, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội chùa Keo Hành Thiện,... đã nổi tiếng khắp cả nước, thu hút đông đảo người Việt về hành hương, vãn cảnh cũng như du khách quốc tế đến tham quan, khám phá.

Những mâm cao cỗ đầy được dâng lên các thánh, đức phật đều được các nghệ nhân ẩm thực, người dân thực hiện một cách kỳ công, tâm huyết. Mỗi món trên mâm cỗ là đại diện cho những ý niệm khác nhau mà cộng đồng gửi lên thần linh, các thánh, đức phật với niềm mong ước những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Dù trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thế hệ nhưng những mâm cỗ ấy vẫn giữ được các giá trị truyền thống vốn có.

Tinh hoa ẩm thực trong mỗi lễ hội không chỉ là nét đẹp văn hóa tinh thần mà còn thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, công lao của các vị anh hùng dân tộc, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Để tinh hoa ẩm thực Nam Định mãi trường tồn theo thời gian, các nghệ nhân ẩm thực đã nỗ lực không ngừng trong việc quảng bá, phát huy những giá trị đặc sắc của ẩm thực đến đông đảo công chúng. Là một trong những ngọn lửa tiên phong mang trong mình tình yêu ẩm thực to lớn, nghệ nhân ẩm thực quốc gia Lê Thị Thiết đã dành trọn cuộc đời mình cho tình yêu ẩm thực. Tình yêu ấy đã được các thế hệ đi trước là người bà, người mẹ của nghệ nhân truyền lửa.

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định là một trong những Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực có nhiều hoạt động sôi nổi nhất, không ngừng xây dựng các chính sách, tổ chức các chương trình liên kết, quảng bá và phát huy tinh hoa ẩm thực Thành Nam. Cùng với đó, truyền ngọn lửa đam mê ẩm thực cho thế hệ trẻ là điều nghệ nhân Lê Thị Thiết luôn trăn trở và không ngừng nỗ lực.

Thùy Dương

Tin tức khác

Zalo phone Hotline