0936 678 231 - 0932 585 431

Gặp gỡ cô giáo hơn 15 năm gieo chữ mềm trên núi đá Hà Giang

Ngày 03/09/2024

Gieo chữ mềm trên đá

Tôi gặp chị Vân ngay trong chuyến công tác thiện nguyện của tòa soạn khi tới một vùng núi xa xôi và hẻo lánh chính là xã Du Tiến, huyện Yên Minh, thuộc tỉnh Hà Giang.

Đường đi khó khăn, khúc khuỷu khiến cho chúng tôi mệt lử, nhưng khi tới nơi nhìn thấy sự đón tiếp nhiệt tình của các thầy cô giáo trên vùng núi cao cùng những ánh mắt lấp lánh của những đứa trẻ khi biết mình sắp nhận được quà khiến bao mệt mỏi tan biến.

Đón tiếp chúng tôi chính là cô giáo Nông Thị Vân – chúng tôi quen chị qua sự giới thiệu của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 Nông Thúy Hằng. Chị chia sẻ các em học sinh của xã Du Tiến, huyện Yên Minh còn rất nghèo, những bữa cơm trưa chẳng có gì ngoài món ăn quen thuộc là mèn mén chan cùng với nước canh rau cải ăn qua ngày. Hơn thế nữa, mùa Đông rất lạnh, các em mặc không đủ ấm nên lúc nào đến lớp cũng bị ốm hoặc không thể đi học được vì lạnh. Chính vì thế, chị cùng các thầy cô giáo nơi đây – nếu có đơn vị hay đoàn công tác thiện nguyện nào ngỏ ý tới các vùng cao, các chị đều nhiệt tình đón tiếp và chia sẻ.

Chị Vân tâm sự, từ năm 2009 tới nay với hơn 15 năm công tác trên địa bàn xã Du Tiến, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang – chị thêm yêu những con người nơi đây.

“Khi nhận quyết định công tác tại xã Du Tiến – là một xã nghèo và xa nhất của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, với tâm thế của tuổi trẻ tôi nhận nhiệm vụ với sự háo hức chờ đợi. Nhưng khi tới vùng đất này, với đường đi xa xôi, khó khăn, cơ sở vật chất cũng còn hoang sơ tôi cũng hơi chạnh lòng. Tuy nhiên, khi đón tiếp đoàn giáo viên trẻ của chúng tôi thì ai cũng chia sẻ, nhiệt tình hướng dẫn, động viên. Các cán bộ công tác trước đó đều động viên rất nhiều. Hơn 15 năm trước, những chế độ chính sách dành cho giáo viên và cả học sinh cũng chưa được như bây giờ nên hoàn toàn phụ thuộc vào sự cố gắng của giáo viên” – chị Vân tâm sự.

Chị Vân cho biết, việc khó khăn nhất của người làm giáo viên trẻ như chị lúc đó chính là việc đi vận động từng nhà cho con em đi học, vì người dân ở đây là người dân tộc, họ chưa quan tâm đến việc cho con cái đi học nhiều. Việc các cô giáo trẻ phải trèo đèo, lội suối, vượt qua các ngọn núi, đi vào rẫy xa, thậm chí đi qua đêm để tới được nhà học sinh vận động học sinh đi học thì không còn quá hiếm hoi. Thậm chí đến được nhà các em rồi nhưng các em phải trông nhà cho bố mẹ đi rẫy, lên núi… phải chờ tới đêm mới được gặp, rồi lại quay về trường.

Khi vận động được học sinh đi học được rồi thì chính các giáo viên trẻ phải học được cả tiếng dân tộc của người dân trên này. “Đa số là chúng tôi giao tiếp ban đầu tiên  nghề, không có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ tôi nghĩ rằng mình khó có thể vượt qua những năm tháng khó khăn khi mới nhận nhiệm vụ công tác, giảng dạy trên này. Đó không chỉ là sự cố gắng mà còn là sự cảm thông, quyết tâm bám trụ để gieo chữ mềm trên vùng đất đá hoang sơ, vùng đá tai mèo dựng đứng đã gắn với nơi đây từ trước tới nay” – chị Nông Thị Vân bồi hồi nhớ lại.

San sẻ, yêu thương rồi gắn bó

Hơn 15 năm công tác ở vùng núi xa xôi, chị Nông Thị Vân luôn coi Yên Minh, Hà Giang chính là quê hương thứ 2 của mình. Chị luôn phấn đấu không ngừng nghỉ cho chính công việc của mình, thậm chí không nghỉ ngơi trong những ngày được nghỉ để vận động các học sinh đi học. Sau nhiều năm phấn đấu, chị tiếp tục được cấp trên ghi nhận và điều động bổ nhiệm chị làm Phó hiệu trưởng- Trường mầm non Du Già – cách nơi chị công tác trước đó gần 10km.

Chị kể lại có đợt năm 2009-2010 gia đình chị lên thăm chị, do đường đi vất vả vì đúng mùa mưa. Lúc đó xã Du Tiến nơi chị công tác lại chưa có điện, sóng điện thoại cũng không có – lúc chị đi ra xã đón người nhà thì lại được người dân ở đây đưa về lán trường để đợi chị. Do không thể liên lạc được nên mãi tới gần tối chị mới gặp được người nhà do chờ đợi nhau. Vất vả là thế, nhưng chị Nông Thị Vân cùng các thầy cô giáo nơi đây chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ lại các em học sinh, bỏ vùng đất đá đầy khó khăn này để trở về xuôi hay thay đổi công việc để bản thân đỡ vất vả hơn.

Chị Nông Thị Vân cũng cho biết những năm gần đây – Chính phủ đã có nghị định 06 và nghị định 105 hỗ trợ cho các học sinh mầm non có bữa ăn trưa nên việc các em học sinh đi học có được bữa trưa cũng khiến các con đỡ đói hơn. Còn các cô giáo sẽ trồng thêm rau để có thể cải thiện bữa ăn cho các con ăn cùng.

“Mỗi học sinh được 5 ngàn đồng/1 bữa ăn trưa và 1 ngàn đồng cho buổi ăn buổi chiều – các giáo viên phải cân đối để cho trẻ có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn. Nhiều khi cũng phải vận động các cán bộ trên địa bàn chia sẻ cùng các con hoặc có đoàn công tác nào đến thăm, có nhu cầu gửi tặng các con chăn màn, áo quần, đồ ăn… thì các cô đều nhiệt tình đón nhận và hướng dẫn, chia sẻ đoàn để các con có được thực phẩm, quần áo, dép… đầy đủ để phục vụ cho việc ăn học hàng ngày.” – chị Vân cho biết.

Yêu thương là thế, nên chị Nông Thị Vân quyết định gắn bó với vùng đất đá tai mèo của Hà Giang nơi đây. Chị đã yêu thương và quyết định lập gia đình tại huyện Yên Minh để có thể thuận tiện cho công việc giảng dạy, gieo chữ - trồng người mà chị ấp ủ từ hồi nhỏ tới giờ.

Nhắc về những kỷ niệm xưa khi mới lên vùng cao dạy học, chị Nông Thị Vân không giấu nổi những giọt nước mắt. Chị cho biết với giáo viên các chị mỗi khi mùa mưa đến thì con đường đến trường càng trắc trở, việc tới trường để gieo chữ cùng các em cũng nhiều sự gian truân. Nhưng vất vả là thế, nguy hiểm là thế nhưng các thầy cô giáo ở nơi vùng cao này chưa bao giờ nản lòng về việc truyền cho các em học sinh “con chữ nơi bản xa”.

“Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo viên mầm non, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi, hạnh phúc hơn nữa là thấy các búp măng non dần trưởng thành, được đi học dưới thành phố, được thành công hơn, đó mới là ý nghĩa, thành quả lớn nhất mà tôi hay đồng nghiệp của chúng tôi gieo trồng. Niềm hạnh phúc, không phải ai cũng có ý chí để thực hiện” – chị Nông Thị Vân tâm sự và ánh mắt ánh lên sự lấp lánh của niềm tự hào.

Dạ Thảo

 

Tin tức khác

Zalo phone Hotline