0936 678 231 - 0932 585 431

“Dấu chân người lính – Khát vọng Hòa bình”: Thắp ánh sáng và tự hào lịch sử dân tộc

Ngày 07/08/2024

Những người lính đã đi qua chiến tranh, bom đạn và chiến đấu, hy sinh bằng chính mạng sống của họ. Khi chúng ta được sống trong hòa bình hôm nay phần nào cảm thấu được giá trị của hai từ “hòa bình”.

Nước mắt rơi trên những miền đất hứa, những khúc khải hoàn vang vọng khắp muôn nơi, lịch sử được tái hiện một cách chân thực trong Lễ hội Vì Hòa bình 2024 tại Quảng Trị nói nói chung và Chương trình biểu diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng “Dấu chân người lính – Khát vọng Hòa bình” nói riêng mang thông điệp hòa bình của nhân dân Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. 

Khai mạc lễ hội Vì hòa bình 2024 tại Quảng Trị

Quá khứ vang vọng ngàn sau…

Dù chiến tranh đã lùi xa, những miền đất đau thương chìm trong mưa bom bão đạn, máu và nước mắt năm ấy nay cỏ đã mọc xanh, trời đã bình yên, nhân dân tăng gia lao động sản xuất và phát triển kinh tế, nhưng trong lòng mỗi người con Việt Nam bao thế hệ, hình bóng lịch sử hào hùng năm ấy vẫn còn vang vọng mãi, những giọt nước mắt vẫn rơi khi nhìn về quá khứ, một thế hệ sống biết ơn luôn ghi nhớ sự hy sinh của thế hệ đi trước, sẵn sàng đứng lên đấu tranh bảo vệ nền hòa bình khó khăn lắm ta mới giành lại được. 

Năm 2024 đánh dấu cột mốc 70 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2024), 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Chuỗi hoạt động trong lễ hội nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam, lan tỏa hình ảnh Quảng Trị - Điểm đến hòa bình. 

Hình ảnh người lính trong tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng

Quảng Trị - Miền đất lịch sử năm ấy đã trở thành chứng nhân cho những cột mốc quan trọng trong cuộc chiến đấu tranh giành lại độc lập của nhân dân Việt Nam. Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, làng Vây hay sân bay Tà Cơn vẫn còn đó những vết tích chiến tranh, sừng sững giữa thời bình như một tượng đài của lịch sử.

Tất cả vẫn còn đó, trở thành nhân chứng sống động vượt thời gian, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người Việt hôm nay và mai sau, để khi nhìn lại ta thêm trân quý giá trị của hòa bình. Dân tộc Việt Nam là một Đất nước đã anh dũng đấu tranh vì hòa bình, độc lập, Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung mong muốn lan tỏa thông điệp hòa bình đến với cộng đồng quốc tế. Sự phát triển không ngừng của Việt Nam ngày hôm nay, nụ cười hạnh phúc trên gương mặt mỗi người dân đất Việt có được từ quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do ấy. 

(Từ trái qua): Ông Phạm Đình Thương – TGĐ Tập đoàn SUN SHINE; Nghệ nhân Bùi Văn Tự và ông Hà Trọng Nhân – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Tư vấn Trí thức và Doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài

“Người truyền lửa” cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần khẳng định: “Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay”.

“Hình – bóng” lịch sử thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng

Trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình, một chương trình nghệ thuật đặc sắc sẽ được tổ chức tại Thành cổ Quảng Trị “Dấu chân người lính – Khát vọng Hòa bình”. Chương trình được tái hiện thông qua ngôn ngữ biểu diễn bằng nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, nghệ nhân Bùi Văn Tự sẽ làm sống lại những câu chuyện lịch sử cảm động, tái hiện quá khứ oai hùng, những hình ảnh rất đỗi thân thương với mỗi người dân Việt Nam. Với sự kỳ công và tinh tế, tác giả đã biến những cái bóng vốn vô hồn, thoáng qua trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, sâu sắc và trở lên ý nghĩa.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao/ Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (Ở giữa) cùng BTC Chương trình biểu diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng “Dấu chân người lính – Khát vọng Hòa bình”

Trong ngôn ngữ, có nghĩa đen và nghĩa bóng, trong điêu khắc ánh sáng có phần hình và phần bóng. Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng trở thành một ngôn ngữ độc đáo để kể về những câu chuyện văn hóa, lịch sử và đời sống. Nó mang đến cách tiếp cận mới lạ và đầy sáng tạo, thu hút và lôi cuốn người xem qua mỗi tác phẩm. Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng sẽ mở ra một cánh cửa vào thế giới nơi mà ánh sáng và bóng tối không chỉ là những yếu tố đối lập mà còn là những người bạn đồng hành. 

Bên cạnh đó, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đã cùng nhau tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng và ý nghĩa, khiến người xem không chỉ chiêm ngưỡng mà còn cảm nhận sâu sắc về sự tương tác giữa cái hiện hữu và cái vô hình. Sự hòa nhịp giữa hình với bóng qua ngôn ngữ ánh sáng của Bùi Văn Tự sẽ được thể hiện chân thực, sâu sắc.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng “Dấu chân người lính – Khát vọng Hòa bình” là một trong các hoạt động hưởng ứng trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình 2024, do Trung tâm Tư vấn - Trí thức và Doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cùng Tập đoàn SUN SHINE đồng hành tổ chức chương trình ý nghĩa này. 

“Dấu chân người lính – Khát vọng Hòa bình” tiếp bước những giá trị lịch sử 

Giữa những ngày tháng đau buồn của dân tộc khi tiễn biệt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghệ nhân Bùi Văn Tự, ngoài những tác phẩm về người lính đã tái hiện thành công hình ảnh bậc vĩ nhân của nhân dân Việt Nam thông qua tác phẩm “Cây Tre Việt Nam” - Biểu tượng của tinh thần kiên cường và lòng tận tụy suốt đời vì Tổ quốc. Những khóm tre mang hình ảnh của Bác sẽ nhắc nhở thế hệ mai sau về một tinh thần cây tre Việt Nam “Mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,” thể hiện sự mạnh mẽ, bất khuất của dân tộc.

Nghệ nhân Bùi Văn Tự và bức chân dung điêu khắc tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chia sẻ về tác phẩm, nghệ nhân Bùi Văn Tự xúc động: “Tác phẩm này, con đã dành nhiều tâm huyết và mong muốn được tặng Bác, nhưng nay Bác đã ra đi. Dù chưa kịp trao tận tay, con xin dâng trọn lòng thành kính vào tác phẩm, như một lời tri ân sâu sắc nhất. Cảm ơn Bác đã tin tưởng, trao cơ hội và truyền cảm hứng cho con, giúp con nhận ra giá trị của lòng yêu nước và trách nhiệm đối với quê hương. Kính chào Bác với tất cả lòng thành kính và biết ơn vô hạn”. 

Dù ở bất kỳ thời đại nào, tinh thần yêu nước, biết ơn, tự trọng của người Việt Nam vẫn luôn sáng rực, trở thành phẩm chất tốt đẹp. Tinh thần ấy sẽ được lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau để hôm nay là nghệ thuật điêu khắc ánh sáng “Dấu chân người lính – Khát vọng Hòa bình”, ngày mai và mãi về sau sẽ là những loại hình nghệ thuật khác ca ngợi lịch sử, lan tỏa thông điệp hòa bình vang vọng mãi ngàn sau…

Thùy Dương
 

Tin tức khác

Zalo phone Hotline