Ngày 27/04/2024
Nhắc đến sân khấu cải lương vùng đất Bắc, không thể không nhắc tới NSND Thanh Tùng, ông là người truyền cảm hứng yêu cải lương với nhiều thế hệ và được đánh giá là một trong những người đem đến sự thay đổi căn bản về diện mạo cải lương đất Bắc.
Chia sẻ với phóng viên về cảm xúc của bản thân đón nhận danh hiệu cao quý là NSND cùng với chính người con trai của mình sau nhiều năm cống hiến NSND Nguyễn Thanh Tùng đã có những bộc bạch xung quanh ánh đèn sân khấu của bộ môn cải lương.
- Chào NSND Nguyễn Thanh Tùng, được biết nghệ sĩ nhận được danh hiệu cao quý cùng với chính người con của mình trong cùng một lĩnh vực. Bác có cho rằng danh hiệu này đến với bác là muộn nay không?
NSND Thanh Tùng đạt huy chương vàng trong vai đô đốc Lê Ngân - vở diễn "Vụ án một Vương phi" tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990 tại Hải Phòng
Suốt hơn 45 năm trong nghề sân khấu cải lương, tôi đã có nhiều cống hiến cho bộ môn nghệ thuật cải lương, tuy nhiên tôi không cho rằng mình nhận danh hiệu cùng với chính con trai mình là muộn. Bởi lẽ từ xưa khi tôi theo bộ môn này thì cũng có rất nhiều người theo và từ thời của chúng tôi thì việc tổ chức các hội thi khá ít. Thời xưa mãi 5 năm mới có 1 lần hội diễn và mỗi lần thi thì hàng trăm nghệ sĩ cùng nhà hát, cùng vở diễn thể hiện. Mà vai diễn chính thì chỉ có 2-3 người, còn lại là vai phụ nên so sánh để đủ bằng khen, giải thưởng để đáp ứng yêu cầu buộc phải có bao nhiêu huy chương vàng, bao nhiêu huy chương bạc thì khá khó khăn.
Đến thời nay thì dễ dàng hơn vì một năm hàng chục giải thưởng khác nhau, giới trẻ có cơ hội đạt giải thưởng khác nhau ở nhiều vai diễn nên việc tôi nhận danh hiệu NSND cùng với chính con trai mình khiến mình vui hơn vì thể hiện đúng "Hổ phụ sinh hổ tử", chứ không hề nghĩ là danh hiệu đến sớm hay muộn - mà là đến đúng lúc.
Danh hiệu cao quý này vẫn là sự chứng thực, ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp nghệ thuật không chỉ của 2 bố con tôi mà còn của nhiều nghệ sĩ. Được cầm trên tay danh hiệu của hai bố con, chúng tôi rất sung sướng và hạnh phúc – đó cũng là điều mà tôi luôn tâm niệm nhắc nhở con mình hoàn thành sứ mệnh.
2 cha con NSND Nguyễn Thanh Tùng (bên phải) và Nguyễn Mạnh Hùng (bên trái)
- NSND Thanh Tùng có suy nghĩ gì khi nhiều người đang nói nghệ thuật cải lương đang hấp hối và thụt lùi trong nhịp sống đô thị hôm nay, nhất là đối với giới trẻ?
Nếu nói về thụt lùi và tụt hậu thì hoàn toàn chưa đúng bởi lẽ nội dung cho tới kịch bản của chính những vở diễn cải lương đều mang hơi thở của thời đại.
Hiện nay các bạn trẻ theo tôi thấy đề nhận thức được rằng cải lương là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống đã luôn có trong tiềm thức và tâm tưởng của người Việt không kể thế hệ nào. Tôi thừa nhận những vở diễn cải lương đang chưa hấp dẫn nhiều đối với giới trẻ, nhưng nói tất cả giới trẻ đều không ưa thích thì không đúng. Giới trẻ chưa hiểu về cải lương là do chưa có được cơ hội để tiếp cận đúng cách. Chỉ cần được khơi thông thì sự tò mò, hứng thú vốn có trong lòng thế hệ trẻ sẽ trở thành tình yêu, sự đam mê.
Và tôi cho rằng để giới trẻ hiểu hơn, yêu hơn bộ môn nghệ thuật cải lương thì đó không chỉ là nhiệm vụ của chính diễn viên mà còn là của nhiều người yêu văn hóa, lịch sử truyền thống của Việt Nam. Cải lương là bộ môn nghệ thuật truyền thống không thể “ăn xổi ở thì” để có thể ra một tác phẩm hay vai diễn hay mà không chịu đầu tư từ công sức cho tới trí óc, sự sáng tạo của chính diễn viên.
- Vậy theo NSND Nguyễn Thanh Tùng làm sao để cho giới trẻ yêu thích hơn bộ môn nghệ thuật cải lương?
Những vở diễn cải lương ở các nhà hát, đặc biệt là ở nhà hát cải lương Trung ương hay Hà Nội những năm qua đều không ngừng cải cách. Đến cả diễn viên cũng không ngừng làm mới mình để có thể truyền thụ được những giá trị nhân sinh tốt đẹp qua từng thời đại, qua nhiều thế hệ người Việt. Để tiếp bước trong hành trình đó, chính các diễn viên tại các nhà hát phải là cầu nối, thực hiện sứ mệnh đưa cải lương tới đông đảo các bạn trẻ nhiều hơn nữa.
Kể cả chính các nhà hát cũng cần đưa thêm những tư liệu về cải lương lên trên các trang mạng xã hội để giới trẻ được tiếp cận nhiều hơn, để có thể làm truyền thông tốt hơn. Tư liệu về cải lương ở trên mạng còn khá ít và chất lượng tư liệu cũng không được tốt, không được phong phú, đa dạng nên bản thân từng người diễn viên cũng cần hiểu để truyền tải những nội dung sao cho gần với công chúng hơn, cả nhóm đã nỗ lực rất nhiều để có thể truyền tải được những giá trị cốt lõi của bộ môn này theo những cách thu hút nhất.
- Trong các vở diễn cải lương, NSND Nguyễn Thanh Tùng thì đa số là các vở diễn mang đề tài lịch sử, có phải chăng là do đề tài này thu hút người xem nên được ưu ái hơn không?
Cải lương hay bất kỳ môn nghệ thuật nào đều có nhiều đề tài khác nhau, quan trọng là hấp dẫn. Tuy nhiên tại sao về đề tài lịch sử lại thu hút giới trẻ bởi lẽ chính giới trẻ họ có nhu cầu tìm hiểu về tiến trình lịch sử được kể chuyện hay cách điệu qua chính các vở diễn từ cải lương hay kịch nói. Hơn nữa, trong sử có sức hút nhất định của mảng dã sử lịch sử. Ở Việt Nam chưa có nhiều tác phẩm hay về đề tài dã sử lịch sữ. Nó vừa là đề tài nghệ thuật vừa là bài học lịch sử giáo dục cho nhân dân của mình, thành ra khi làm vở lịch sử cũng có nhiều cái được.
Sau hơn 45 năm cống hiến, tôi đã có 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. Ví như tôi đã từng diễn vai đô đốc Lê Ngân trong vở “Vụ án một Vương phi” tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990 ở Hải Phòng đạt huy chương vàng. Hay vai phản diện Hồ Tôn Hiến trong vở "Kiều", hoặc vở diễn "Dòng suối trắng" - cá nhân tôi trong vai ông già người Mèo tên Giàng Tín đã đạt huy chương vàng đầu tiên. Tới nữa là hội diễn toàn quốc năm 1995 trong vở "Ngọc sáng đất kiếm thần" - tôi đóng vai đốc phủ Dương cũng đạt được huy chương vàng. Các vở diễn khá thành công và khi diễn xong khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay khiến tôi vô cùng cảm động. Đó cũng là niềm tự hào của mỗi nghệ sĩ, đặc biệt với bộ môn cải lương như của chúng tôi.
Cảm ơn ông về những chia sẻ.
Dạ Thảo