0936 678 231 - 0932 585 431

MỘT SỐ KẾT QUẢ CỦA CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN QUA

Ngày 02/07/2024

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhằm đảm bảo quản lý, bảo vệ môi trường.

1. Một số diễn biến về môi trường thời gian qua

Môi trường không khí

Theo kết quả quan trắc cho thấy[1], trong năm 2023, ô nhiễm không khí ở nước ta vẫn xảy ra vào một số thời điểm trong năm, tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,... nơi có mật độ giao thông cao và quá trình công nghiệp phát triển mạnh. Ô nhiễm chủ yếu vẫn là do thông số bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 và có biểu hiện mùa rõ rệt, điển hình vào các tháng mùa đông ở miền Bắc và có xu hướng tăng so với trung bình năm 2022. Đối với khu vực nông thôn, miền núi, chất lượng môi trường không khí khá sạch, tuy nhiên, một số khu vực nông thôn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động làng nghề, hoạt động tiểu thủ công nghiệp, khai thác khoáng sản, chất lượng môi trường không khí có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ. Các thông số khác trong không khí như NO2, O3, CO, SO2 đa phần giá trị thấp, ít biến động so với cùng kỳ năm 2022 và đa phần đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT – QCVN về chất lượng không khí.

Môi trường nước

Chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông (LVS) lớn như LVS Hồng - Thái Bình, LVS Mã – Chu (miền Bắc); LVS Cả - La, LVS Hương, LVS Vu Gia - Thu Bồn (miền Trung) và LVS Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Tiền (miền Nam) khá tốt, giá trị trung bình năm của các thông số tại một số vị trí quan trắc ít biến động qua các năm và không có nhiều biến động bất thường so với năm 2022, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Tuy nhiên, tại khu vực trung và hạ lưu, nhất là đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, có hoạt động nuôi trồng thủy sản hoặc có tàu thuyền qua lại, chất lượng nước sông bị suy giảm, điển hình như khu vực trạm thủy văn Hội Khách, điểm từ cầu Đỏ đến cầu Thuận Phước (sông Vu Gia), cầu Bà Rén, chợ bến cá Cẩm Hòa (sông Thu Bồn),.... Tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên các sông, nhánh sông thuộc LVS Nhuệ - Đáy và LVS Cầu; hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; điểm từ cầu Ông Buông đến Cầu An Lộc trên sông Sài Gòn ô nhiễm vẫn diễn ra và chưa được kiểm soát triệt để.

2.Một số kết quả Kiểm soát nguồn ô nhiễm, bảo vệ môi trường

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (KCN), cụm công nghiệp (CCN): Các KCN, CCN đã được giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn về môi trường. Trong năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, tạo động lực và không gian phát triển kinh tế cho các địa phương và ngành công nghiệp.

b) Khu đô thị: Đến hết năm 2023, toàn quốc có 902 đô thị (tăng 14 đô thị so với năm 2022)[2]. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 đạt 42,7% (tăng 01% so với năm 2022)[3]. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 96%, tăng 1,8% so với năm 2022. Tỷ lệ thất thoát nước sạch giảm xuống còn 16% (giảm 0,5% so với năm 2022)[4]. Trên cả nước hiện có 82 nhà máy/trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng công suất thiết kế là 1.466.000 m3/ngày đêm[5]. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý đạt khoảng 17%, tăng 02% so với năm 2022[6].

Công tác quản lý, BVMT, phát triển bền vững đô thị được đặc biệt quan tâm. Quốc hội đang xem xét ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050[7]; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045[8]. Triển khai nhiều chương trình, đề án về phát triển đô thị[9].

c) Làng nghề: Cả nước hiện có 211 nghề truyền thống và 2.031 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận (tăng 80 làng nghề, làng truyền thống so với năm 2021)[10]; trong đó, làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 32,8%; làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ lệ ít nhất với khoảng 3,33%. 

d) Hoạt động sản xuất nông nghiệp: Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 3.308 trang trại trồng trọt, 12.349 trang trại chăn nuôi, 133 trang trại lâm nghiệp, 1.810 trang trại nuôi thủy sản, 2.060 trang trại tổng hợp; trong đó 1.034 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời[11]. Lượng nước thải nuôi trồng thủy sản phát sinh ước tính là 8,8 tỷ m3/năm. Lượng nước thải trong hoạt động chăn nuôi ước tính là 260,48 triệu m3 (tăng 4,5% so với năm 2022), trong đó nước thải phát sinh từ chăn nuôi lợn chiếm tỷ lệ 84,9% (tăng 2,86% so với năm 2022)[12].

đ) Hoạt động y tế: Cả nước có khoảng 26.283 cơ sở y tế, bao gồm 13.641 cơ sở y tế công lập và khoảng 38.321 cơ sở y tế ngoài công lập [13]. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh khoảng 135.000 m3/ngày đêm; tỷ lệ xử lý đạt 95% (tăng 02% so với năm 2022)[14]. Công tác quản lý môi trường y tế trong năm 2023 được quan tâm triển khai, đặc biệt trong bối cảnh cả nước chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Bộ Y tế đã triển khai các nội dung về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; quản lý chất thải y tế. Đẩy mạnh thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Đề án truyền thông về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và sử dụng nước sạch nông thôn;… [15]

3. Giải pháp, phương hướng bảo vệ môi trường trong thời gian tới

1. Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật BVMT; hướng tới đề xuất sửa đổi Luật Đa dạng sinh học

2. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện công tác BVMT

 

3. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường

4. Quản lý CTR, trọng tâm là quản lý tốt CTRSH, chất thải nhựa, CTNH

5. Khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng môi trường

6. Đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

7. Ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường

8. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các mô hình, điển hình về BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

TS Phạm Quang Huy

(theo Tạp chí Thông tin và Phát triển)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.https://tapchitaichinh.vn/quan-ly-bao-ve-moi-truong-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap.html

     2.Báo cáo số: 212/BC-CP ngày 04 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về Công tác Bảo vệ môi trường năm 2023.

     3.https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/bien-phap-bao-ve-moi-truong-883-97075-article.html

 

 

 

 

[2] Trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V. Nguồn: Công văn số 841/BXD-KHCN ngày 29/02/2024 của Bộ Xây dựng.

[3] Công văn số 841/BXD-KHCN ngày 29/02/2024 của Bộ Xây dựng.

[4] Công văn số 841/BXD-KHCN ngày 29/02/2024 của Bộ Xây dựng.

[5] Công văn số 1335/BXD-KHCN ngày 28/3/2024 của Bộ Xây dựng.

[6] Công văn số 841/BXD-KHCN ngày 29/02/2024 của Bộ Xây dựng.

[7] Quyết định số 384/QĐ-BXD ngày 11/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

[8] Nghị quyết số 41-NQ/BCSĐ ngày 01/03/2023, Quyết định số 143/QĐ-BXD ngày 08/3/2023 của Bộ Xây dựng.

[9] Công văn số 841/BXD-KHCN ngày 29/02/2024 của Bộ Xây dựng.

[10] Công văn số 2268/BNN-KHCN ngày 28/3/2024 của Bộ NN&PTNT.

[11] Báo cáo tổng kết năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Bộ NN&PTNT.

[12] Công văn số 2268/BNN-KHCN ngày 28/3/2024 của Bộ NN&PTNT.

[13] Công văn số 84/MT-YT ngày 19/3/2024 của Bộ Y tế.

[14] Báo cáo số 44/BC-MT ngày 09/02/2024 của Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế.

[15] Báo cáo số 44/BC-MT ngày 09/02/2024 của Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế.

 

 

Tin tức khác

Zalo phone Hotline