Ngày 19/08/2021
Gia Lai có một nền văn hóa bản địa lâu đời, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc với các lễ hội truyền thống như lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa… Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, thường được tổ chức vào tháng 4,5 hàng năm với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…
Người Jrai gọi mưa là “Hơ Jan” và rất coi trọng “Hơ Jan” vì giúp họ giải được nhiệt của cái nắng oi bức, rát bỏng, làm cây cối, hoa màu ở nương, rẫy trở nên tươi tốt và cho họ no cái bụng. Vì thế mỗi năm người Jrai luôn tất bật chuẩn bị cho lễ cầu thần mưa. Để chuẩn bị cho lễ cầu mưa, trước tiên người Jrai dựng một cái giàn để cúng bến nước trước. Tiếp là cúng các vị thần cây lồ ô, tre, nứa. Sau đó người Jrai về làng dựng cổng và làm một cái giàn ngay con đường xuống bến nước, treo lên bộ da của con chó, đặt một thanh đao, cột một đoạn sợi chỉ màu đen. Điều đó là để ngăn chặn sự xâm nhập của các con quỷ ác đến hại người dân trong làng. Lễ cầu thần mưa khác với tất cả các nghi lễ cúng khác vì người cúng không phải Già làng, mà người có ngôi nhà ở đầu nguồn bến nước sẽ chọn người cùng hướng dãy nhà của mình để thay mặt cho dân làng đứng ra cúng. Với người Jrai, không chỉ có việc cầu mưa cho buôn làng mát mẻ mà ngay cả trên nương, trên rẫy cũng phải cầu mưa để cho cây bắp lên cao, cây lúa trĩu bông, mùa màng bội thu.
Sau khi phần lễ cúng kết thúc, các cộng sự cùng tham gia uống rượu
Sau lễ cầu mưa, rượu ghè được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt say say lan tỏa khắp khu nhà rông. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan say đắm. Bên ngoài, tiếng cồng chiêng, tiếng trống được cất lên, và những phụ nữ sẽ cùng nhảy múa theo điệu xoang nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết và quan trọng hơn là nhắc nhở thế hệ trẻ cùng con cháu luôn ghi nhớ và giữ gìn, phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc mình.
Những ngày cuối tháng 5 khô khan, khi buôn Rưng Ama Nin vẫn còn chìm trong yên ắng thì ở trước khoảnh sân nhỏ của gia đình bà Rơ Com Hkliơng, Hội đồng già làng cùng một số phụ nữ được chọn đã tập trung đầy đủ để chuẩn bị cho Lễ cúng cầu mưa. Khác với các nơi khi cả làng sẽ cùng nhau chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa thì lễ cúng cầu mưa của người Jrai ở Rưng Ama Nin chỉ có 12 người được tham dự. Trong đó, già làng lớn tuổi nhất sẽ làm chủ tế, hai già làng uy tín nhất sẽ là cộng sự phụ tế. Còn lại 9 người (5 nữ) sẽ phụ trách các khâu chuẩn bị, phục vụ cho buổi lễ như đặt ghè rượu, múc nước, sắp xếp vật phẩm, nấu nướng các món ăn.
Để được đứng vào hội đồng làm lễ cúng cầu mưa, những người được chọn phải là người gương mẫu, không phạm vào điều cấm kị trong làng, có ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng. Trong ngày làng cúng cầu mưa, người dân cũng phải kiêng cữ, không đi làm, không được cầm cuốc, cầm rựa. Vật phẩm cúng tế trong buổi lễ chính là một con heo đực đen không có đốm trắng, nặng khoảng 20 kg; 3 ché rượu Jơbô. Những vật dụng được dùng trong lễ cúng gồm có tô đồng, 5 tô sứ trắng, 5 cần rượu bằng tre. Theo truyền thống, đây là những vật dụng chỉ được dùng cho việc cúng tế, ngày thường không được lấy ra sử dụng.
Đúng 9 giờ, lễ cúng cầu mưa bắt đầu, già Ksor Hơ - chủ lễ chậm rãi bước đến ngồi trước ba ghè rượu. Đặt tay lên ghè rượu đầu tiên, già Ksor Hơ lầm rầm đọc bài khấn bằng tiếng Jrai, bày tỏ nguyện vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng bình an, khỏe mạnh, ấm no. Bài tế diễn ra trong khoảng 10 phút, sau đó, già Hơ múc nước đựng từ chiếc thau đồng đổ đầy vào từng ghè rượu, rồi già khẽ vít cần uống một ngụm rượu. Bà Hkliơng- chủ nhà, được chủ tế mời lên uống rượu. Lần lượt nhấp đủ rượu tại ba chiếc ghè, bà Hkliơng mời rượu lại chủ lễ để cảm ơn. Sau đó, một mâm cơm nhỏ được dọn lên, chủ lễ, chủ nhà và các cộng sự của mình cùng nhau thưởng thức xung quanh ché rượu cần.
Khu vực Đông Nam vốn được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất tỉnh Gia Lai, đây cũng là vùng đất gắn liền với các truyền thuyết về Vua Lửa, Vua Nước…Vì thế lễ cúng cầu mưa là một trong những nghi thức quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Jrai. Lễ cúng cầu mưa ở đây tập hợp đầy đủ nét văn hóa đặc trưng của một tộc người, của một nghi thức cúng cầu mưa nguyên bản. Khi đến với lễ cầu mưa của người Jrai ở Rưng Ama Nin, du khách được cảm nhận không khí thiêng liêng, trang trọng trong thời khắc kết nối với thần linh bên mái nhà dài cổ kính.
Mọi người còn được nhìn ngắm những chiếc ghè, chén cổ, hương rượu cần nồng đượm, bộ thổ cẩm truyền thống với sắc màu chủ đạo là đỏ và đen. Đôi khi, người ta còn được thưởng thức cồng chiêng, được xem điệu múa xoang uyển chuyển trong các lễ cúng nhà rông, cúng bến nước… hay ngắm nhìn những bức tượng gỗ trong không gian ma mị của lễ pơthi. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực độc đáo với cơm lam, gà nướng, thịt nướng, ốc suối, lá mì… cũng được giới thiệu tới du khách.
Ông Lại Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: "Thời gian tới, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm; đồng thời kiểm kê, rà soát các lễ hội có ý nghĩa nhân văn, có giá trị tinh thần to lớn mà bà con đang còn lưu giữ để kịp thời động viên, khuyến khích duy trì, truyền dạy cho thế hệ con cháu”.
Theo dantocmiennui.vn