Ngày 23/12/2023
Bộ Nội vụ cùng Bộ GD-ĐT cùng thống nhất đề xuất bổ sung 27.860 biên chế giáo viên cho các địa phương, năm học 2023-2024.
Mới đây, Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ Nội vụ cùng với Bộ GD-ĐT đã thống nhất bổ sung 27.860 biên chế giáo viên cho các địa phương phục vụ năm học 2023-2024.
Việc bổ sung các giáo viên biên chế này cho các địa phương nhằm phục vụ cho năm học mới 2023-2024 vì các địa phương đã gửi công văn đề xuất bổ sung 104.656 giáo viên so với năm học 2022-2023, nâng tổng số biên chế giáo viên cả nước lên gần 1,2 triệu.
Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT đã thống nhất dự kiến bổ sung 27.868 biên chế cho năm học 2023-2024. Số còn lại sẽ bổ sung đối với các trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo đến năm 2026. Hiện Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi Ban cán sự Đảng Chính phủ, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, quyết định phương án cụ thể.
Trước đó, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, năm học 2022 - 2023, tạm giao 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho các địa phương.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, theo Bộ GD-ĐT, các địa phương mới tuyển được hơn một nửa số này (khoảng 15.540 giáo viên). Như vậy, các tỉnh thành vẫn đang còn tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Lý giải việc không tuyển dụng đủ giáo viên, các tỉnh cho rằng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút họ.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp trung học cơ sở tăng 1.207 người, cấp trung học phổ thông tăng 2.045 người). Trong đó, Thanh Hóa và Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương,... là những địa phương thiếu nhiều nhất.
Dạ Thảo