Ngày 27/07/2024
Trà không chỉ là thức uống hàng ngày của người Việt, trà còn là “thức uống ngoại giao” của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nguyên thủ quốc tế. Đến nay, những khoảnh khắc, hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà trong chuyến thăm Việt Nam của vị lãnh đạo này vẫn để lại ấn tượng sâu sắc. Trà Việt đã được nâng tầm và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế như một “sứ giả” ngoại giao.
Trà Việt trong văn hóa ngoại giao của Việt Nam
Hình thành và phát triển bao đời nay, Trà đã trở thành một nét văn hóa, đi sâu vào tiềm thức, thói quen của người Việt. Trà không chỉ đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế, nâng cao an sinh xã hội các vùng nông thôn, trà Việt còn trở thành một điểm nhấn tiêu biểu để mỗi người dân Việt Nam tự hào khi giới thiệu đến bạn bè quốc tế về “đặc sản”, một nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Việt.
Phút thảnh thơi thưởng trà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình (Ảnh: TTXVN)
Chính vì lẽ đó, Trà đã trở thành thức uống không thể thiếu trong các cuộc tiếp đón ngoại giao của Việt Nam, cũng là cách người Việt thể hiện lòng mến khách. Hồi cuối năm 2023, chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam không chỉ có ý nghĩa chính trị to lớn mà còn góp phần đưa văn hóa Trà Việt lên một tầm cao mới.
Nhớ lại ngày 12/12/2023, sau cuộc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà, thưởng thức ba sản phẩm trà thượng hạng của Việt Nam. Tiệc trà là một trong những nghi thức lễ tân đặc biệt, thể hiện sự gần gũi, thân tình giữa các nhà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, mời trà còn thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách và cũng là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi những điều chân thành, thẳng thắn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu các sản phẩm “Tinh hoa trà Việt” với đoàn ngoại giao cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam
Tại cuộc gặp gỡ lịch sử đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình 3 phẩm trà thượng hạng của Việt Nam là trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ, trà Olong lão, Bạch trà chốt đỉnh 2000 shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh. Trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi 2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã dự tiệc trà thân mật tại Đại Lễ đường nhân dân Trung Quốc. Thông qua ngoại giao, văn hóa Trà Việt luôn giữ chất mộc mạc, chân thành, bình đẳng và vô cùng trọng thị, thể hiện mối quan hệ hệ gần gũi và những tương đồng văn hóa giữa hai quốc gia.
Văn hóa trà trở thành “chất dẫn” và là cầu nối gắn kết ngoại giao văn hóa
Trở thành điểm nhấn trong hoạt động tiếp đón ngoại giao với Đất nước tỉ dân, tiệc trà năm ấy đã góp phần đưa tinh hoa văn hóa Trà Việt vươn tầm quốc tế. Điều đó đã phần nào thể hiện sự tinh tế, cùng chiến lược ngoại giao văn hóa bậc thầy của một bậc vĩ nhân - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Văn hóa thưởng trà – Nét tinh hoa trong văn hóa trà Việt
Có thể thấy, trà luôn là một trong những loại đồ uống mà Ban bí thư cũng như cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên sử dụng, như một nếp văn hóa đẹp của người Việt bao đời. Những hình ảnh giản dị và rất đỗi thân thuộc tái hiện cảnh người con ưu tú của nhân dân Việt Nam ngồi thưởng trà chắc chắn sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt bao thế hệ từ nay cho đến tận mai sau.
Bậc vĩ nhân đưa Việt Nam bước sang chương mới với chiến lược “Ngoại giao cây tre”
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016), thuật ngữ “Cây tre Việt Nam” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập ẩn dụ về đường lối đối ngoại của Việt Nam: “cây tre Việt Nam” mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người.
Hai Tổng Bí thư dự tiệc trà trong bối cảnh của “Ngoại giao cây tre”
“Ngoại giao cây tre” với thuộc tính Vững ở gốc, Chắc ở thân, Uyển chuyển ở cành là sự kiểm nghiệm và đúc kết qua thực tiễn quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nay đã được hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện nhất quán vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc. Chiến lược ngoại giao này đã gắn liền với hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những đóng góp to lớn của Bác trong sự nghiệp chính trị của dân tộc.
Những chuyến thăm ngoại giao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".
Dù Bác đã đi xa nhưng những công lao, đóng góp to lớn của Bác cho sự nghiệp chính trị, ngoại giao, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội sẽ luôn còn mãi như một tiền đề cho các thế hệ kế cận tiếp tục duy trì, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thùy Dương