Ngày 12/11/2024
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vừa tiếp nhận 02 Bệnh nhân mắc bệnh giun lươn nhiều năm không biết.
Anh L.Q.N sinh năm 1976, quê ở Thanh Oai, Hà Nội, với biểu hiện ngứa rải rác toàn thân, kéo dài khoảng 2 năm, ăn uống bình thường, không đau bụng, kèm theo rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và sút cân. Anh đã đi khám nhiều nơi theo hướng điều trị dị ứng nhưng không đỡ. Sau khi đến bệnh viện khám Xét nghiệm phân phát hiện ấu trùng giun lươn, xét nghiệm máu có kháng thể dương tính với giun lươn.
BSCK 1. Đinh Thị Bảo Thoa, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám cho bệnh nhân
Cũng giống với Anh N, bác Đ.V.T (79 tuổi) tại Gia Viễn, Ninh Bình, có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp. Bác T có ngứa rải rác toàn thân kéo dài gần 20 năm, người mệt mỏi mỏi, ăn kém, thường xuyên bị táo bón.. Bác T đã chữa trị nhiều năm theo hướng ngứa do di ứng không thuyên giảm, Bác đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, khám xét nghiệm và được chẩn đoán nhiễm giun lươn.
Theo BSCK 1. Đinh Thị Bảo Thoa, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương Bộ Y tế cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh giun lươn là do ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, niêm mạc, đi vào cơ thể người khi tiếp xúc trực tiếp với đất bị ô nhiễm (lây nhiễm qua da). Hoặc người có thể bị nhiễm giun lươn qua cơ chế tự nhiễm do giun lươn cái đẻ trứng, trứng phát triển thành ấu trùng, hoặc đẻ ra ấu trùng sau đó phát triển giun trưởng thành ngay trong ruột gây bệnh cho người.
Giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa
Giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể con người gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm tình trạng nhiễm giun và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy có xuất hiện biến chứng nặng.
Các triệu chứng thường gặp của người bệnh nhiễm giun lươn bao gồm: Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy là triệu chứng thường gặp nhất, có thể kéo dài trên 2 tuần và xen kẽ đợt táo bón; đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn; Dị ứng: ngứa, nổi mẩn đỏ tại vị trí xâm nhập qua da; Ngoài ra có thể có các biểu hiện như mệt mỏi, ăn kém, sút cân…
Anh N và Bác T chia sẻ: sau 12 ngày điều trị tại Bệnh viện bằng thuốc đặc hiệu, các triệu chứng đã thuyên giảm ngứa giảm nhiều, ăn uống ngon miệng, ngủ ngon giấc, không phải thức đêm để gãi ngứa, tinh thần thoải mái hơn rất nhiều.
Phát hiện sớm tình trạng nhiễm giun và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy có xuất hiện biến chứng nặng
Theo thống kê, bệnh giun lươn thường gặp ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trên thế giới khoảng 30-100 triệu người bị nhiễm bệnh. Ở Việt Nam tỉ lệ nhiễm chung khoảng 1% - 2% tổng dân số, trong đó khu vực mắc bệnh nhiều thuộc các tỉnh phía Nam: Cu Chi, Thủ Đức và miền Trung Tây Nguyên như: Gia Lai, Bình Định.
Tỉ lệ mắc giun lươn gặp nhiều ở độ tuổi lao động, nam giới gặp nhiều hơn nữ. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có nguy cơ bị nhiễm và mắc bệnh giun lươn. Việc ăn thịt lươn không phải nguyên nhân gây bệnh giun lươn Bác sĩ Thoa cho hay. Để để chủ động phòng tránh bệnh giun lươn Bác sĩ Thoa khuyến cáo:
Đối với cá nhân: Chú trọng vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể như: ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập luyện thể thao. Sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt với người thường xuyên phải tiếp xúc với đất, cát. Đồng thời khi có nghi ngờ nhiễm bệnh giun lươn nên đến khám và xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh, cần theo dõi sức khỏe và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh tránh viện tái nhiễm.
Đối với cộng đồng: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe về bệnh, nâng cao ý thức người dân về phòng, chống bệnh. Tại những nơi công cộng, đông người, nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cần quản lý tốt vệ sinh môi trường, rác thải.
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương – Bộ Y tế là bệnh viện đầu ngành, với labo đạt chuẩn ISO 18589, có nhiều kỹ thuật chuyên môn cao cũng như hội đồng cố vấn chuyên môn của Bệnh viện, Viện khi gặp những ca bệnh hay, ca bệnh hiếm đều nhanh chóng được hội chẩn và đưa ra được chẩn đoán xác định chính xác cho BN. Bệnh viện Đặng Văn Ngữ địa chỉ 245 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm Hà Nội. |
Dạ Thảo