0936 678 231 - 0932 585 431

Ngày Tết về miếu thờ Hai Bà Trưng nghe kể chuyện về tâm linh Việt

Ngày 16/02/2024

Đối với nhiều người con đất Việt, những ngày Tết nguyên Đán được trở về bên gia đình, quây quần bên nồi bánh chưng xanh thơm nức và nghe ông, nghe bà kể chuyện về những chiến tích thời xưa của cha ông ta chính là điều thích thú nhất mà có lẽ tuổi 8x -9x nào cũng từng trải qua.
Tọa lạc ngay trên số 680 đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - miếu Hai Bà Trưng được coi là khởi nguồn của đền Hai Bà Trưng về câu chuyện kiên trung của bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, được nhân dân ủng hộ.

Miếu Hai Bà Trưng có quy mô kiến trúc nhỏ, khiêm nhường, nằm tại số 680 đường Bạch Đằng, quay hướng Đông, nhìn ra sông Hồng. Cổng của miếu được xây dựng theo kiểu tam quan, tứ trụ, đỉnh 2 trụ lớn đắp hình 4 chim phượng, đỉnh 2 trụ nhỏ đắp hình nghê. Miếu kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, Đại bái 3 gian 2 dĩ, Hậu cung 1 gian, 2 dãy dải vũ, mỗi dãy 3 gian nằm đối diện nhau trên khu vực sân trước của miếu. Các di vật, đồ thờ còn bảo lưu được không nhiều, tiêu biểu nhất là long ngai, bài vị thờ Hai Bà, bộ kiệu long đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, 17 đạo sắc phong từ thời Lê (1783) đến thời Nguyễn (1924).

Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, bên nồi bánh chưng đang bốc khói, với cái se lạnh của Hà Nội đón chờ mùa Xuân mới - lời bà tôi kể rằng theo ghi chép cổ, ngay sau khi Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng sông Hát Giang, khí anh linh kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi mãi đến tận thời Lý mới tới vùng Thăng Long xưa. Vào một đêm đầu tháng 2, người dân ở khu vực bãi bồi trên dòng sông Nhị thấy hai pho tượng đá tỏa sáng trước bãi Đồng Nhân sông Cái (sông Hồng). Hai tượng thường vọt ra khí sáng và cũng cứ trôi mãi đến khúc sông bãi Đồng Nhân (Đồng Nhân Châu), đêm đêm tỏa sáng thấu trời, dân sở tại kinh dị và thuyền bè không dám đến gần. Một đêm, phường chài đậu bên bến nghe văng vẳng tiếng nói: ‘Thuyền các ngươi ô uế, nên lui xuống hạ lưu’.

Bà Hoàng Thị Nga - thủ nhang đền đang là hội viên của Trung tâm bảo tồn nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam

Nhà vua lúc đó là Lý Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Người dân sinh sống ở bãi Đồng Nhân khi ấy phải lấy vải đỏ đón các bà vào thì thấy tượng đá cao lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra. Vua bèn giáng chỉ truyền cho dân làng này dựng đền thờ hai cỗ tượng các bà ở bên sông. Việc này là vào năm Đại Định thứ 3 (tức 1142).

Những câu chuyện của bà vẫn cứ văng vẳng bên tai, trở về Hà Nội sau nhiều năm xa cách vì bận rộn công việc, tôi quay trở lại bến nước, bãi bồi ngày xưa. Trải qua nhiều năm, lụt lội, chiến tranh - miếu thời Hai Bà bên dòng sông Hồng cũng trở nên đổ nát, sau thời gian dài được sự quan tâm của UBND TP.Hà Nội thì miếu thờ Hai Bà Trưng cũng được tu sửa lại cẩn thận, phục vụ cho các du khách tham quan, hướng đến vai trò phát triển du lịch tâm linh đúng như mục tiêu của thành phố Hà Nội.

Đến miếu thờ Hai Bà Trưng hôm nay, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về Hai Bà, được tham quan bến nước được tu bổ một cách sạch sẽ và khang trang. Và phủ miếu chăm chút tại nơi đây chính là bà Hoàng Thị Nga làm thủ nhang. Bà là người con được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa, do có cơ duyên với Phật Thánh, bà đã được dân làng tín nhiệm mời về làm thủ nhang của đền. Trong quá trình thực hành tín ngưỡng, bà đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để tham gia tích cực, làm các công việc có ích với cộng đồng. Bà đã tham gia nhiều công tác từ thiện, xây dựng, trùng tu đền, đình, chùa và các công trình phúc lợi tại địa phương,…  

Hiện nay, bà Hoàng Thị Nga đang là hội viên của Trung tâm bảo tồn nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Bà Nga được biết đến với các hoạt động tích cực trong câu lạc bộ, luôn có ý thức, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn cùng trung tâm giới thiệu, quảng bá những giá trị của tín ngưỡng thờ mẫu.

Chia sẻ với phóng viên, bà Hoàng Thị Nga cũng cho biết trong những năm qua, với sự kêu gọi không chỉ của bà mà còn của nhiều nhà hảo tâm khác, miếu thờ Hai Bà Trưng cũng được tu bổ, khang trang lại nhiều sau khi các kiến trúc cũ cũng bị xuống cấp và mài mòn. Hiện nay, cổng miếu cũng đã bị hỏng, đổ nát - bậc tam cấp cũng vỡ, hỏng nền sân của miếu. 

"Tôi chỉ mong muốn với sự kêu gọi và ủng hộ từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm để miếu Hai Bà Trưng được xây dựng cổng đền một cách khang trang và lịch sự. Miếu thờ Hai Bà là một công trình trúc tâm linh lớn và cũng là một trong những ngôi đền thiêng biểu tượng của vùng đồng Bằng Bắc Bộ. Miếu thờ hiện có 2 gian và cung cấm, khuôn viên bên ngoài cũng thoáng và rộng đủ để cho khách đến sắp lễ hay cầu nguyện. Tuy nhiên đối diện cửa miếu có cột trụ nhưng vẫn chưa có kinh phí để xây dựng cổng miếu cho khang trang. Việc làm công đức là điều thiện, điều nên làm và trong kinh nhân quả của nhà Phật cũng có ghi và khuyến khích việc làm công đức để nơi miếu thờ, đình, chùa... được trở nên sạch sẽ, khang trang - hướng đến sự phát triển về du lịch tâm linh giữa lòng Hà Nội theo chỉ đạo của thành phố" - thủ nhang Hoàng Thị Nga chia sẻ.

Với tâm nguyện muốn lan tỏa và hoàng dương nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu và tại miếu thờ Hai Bà Trưng - bà Hoàng Thị Nga đã góp phần tu dưỡng, bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật của Đạo Mẫu Tam Tứ Phủ trong nét truyền thống văn hóa của người Việt xưa và nay.

Hoàng Yến
 

Tin tức khác

Zalo phone Hotline