Ngày 16/08/2021
Phong tục làm cho sắc thái văn hoá trở nên đa dạng, phong tục giúp cho ta phân biệt được cộng đồng này, dân tộc này với cộng đồng kia, dân tộc kia. Sống đúng với phong tục, mới là sống với truyền thống. Một khi xa lạ với những phong tục của cộng đồng, thì sẽ không được cộng đồng chấp nhận, sẽ bị xem là trái với văn hoá truyền thống của cộng đồng.
Phong tục của các dân tộc thiểu số Việt Nam là cả một đề tài vô tận. Cả 54 dân tộc có biết bao nhiêu là hiện tượng, sự kiện văn hoá rất đáng quan tâm. Những vẻ đẹp trong những bộ y phục, trong đồ uống, thức ăn, những cách thức thờ cúng, cách tổ chức ngày sinh nhật, những nề nếp độc đáo trong các cuộc tang ma, cưới hỏi... là những hiện tượng mang đậm ý nghĩa văn hoá truyền thống. Vì thế mà có người đã cho rằng, muồn hiểu biết về văn hoá truyền thống của các cộng đồng phải tìm hiểu qua các phong tục.
1. Sự tích rượu cần (nhiều dân tộc)
Các dân tộc thiểu số, hầu như nơi nào cũng uống rượu cần. Hiện nay, chúng ta chưa sưu tầm được hết sự tích rượu cần của các dân tộc, chỉ mới biết người Mường, người Thái giải thích lý do ra đời của rượu cần như sau:
Một ông cụ có hai người con dâu. Cụ muốn thử xem ai là người thông minh, đức hạnh. Cụ bảo: Bố đi ăn uống đã nhiều, nhưng chưa được ăn con vật gì mà thịt lại nằm trong xương, cũng chưa được uống loại nước gì chảy ngược cho ngọt ngào, ý vị. Các con cố tìm cho bố. Được ăn uống những thứ đó, bố mới khoẻ ra được.
Cô dâu cả nghĩ mãi, không hiểu là thức ăn thức uống gì. Cô dâu thứ hai cũng bí, hỏi chỗ này chỗ khác cũng không ai biết thức ăn ấy ra sao. Chị buồn rầu ra suối ngồi nghĩ. Bỗng chị nhìn thấy con ốc bên bờ suối. Thôi phải rồi! Con ốc, ruột trong mềm, vỏ ngoài cứng, thế chẳng phải thịt nằm trong xương hay sao? Bên bờ suối, lại có ai đã cắm một cái vòi chuyền cho nước chảy ngược lên máng. Muốn nước chảy ngược cũng phải làm như vậy. Chị liền bắt một mớ ốc về nấu canh, múc một bầu nước, vót cái cần cắm vào bầu. Cứ để nước lã như thế thì sẽ chẳng có mùi vị gì, chị bỏ vào bầu vài nắm lá thuốc trong rừng. Đưa về nhà thì ông cụ đang đi vắng. Chị dấu kín các thức đã chuẩn bị, chờ bố về đưa nộp.
Người dâu cả đang nghĩ chưa ra cách, thấy em dâu thứ dấu thì bực, liền lén bỏ vào bình một nắm bã trấu và tấm vụn. Không ngờ như thế lại làm cho bình nước thêm chất - Lá, trấu, tấm quện lại, lên men, hoá thành một thứ rượu ngọt. Ông bố ăn canh ốc rối cầm cần hút. Đúng là nước thân nước thương chảy ngược và canh thịt nằm trong xương. Ông cụ khen nức khen nở, giao cả cơ nghiệp cho cô em. Và lịch sử xa xôi của bình rượu cần có từ đó.
2 . Trao vòng cầu hôn (Dân tộc Ê Đê)
Trai gái Ê Đê đã yêu nhau, họ báo cho gia đình biết để sắp xếp lễ đính hôn. Gia đình bên gái nhờ ông đăm đai (ông cậu) sang nhà trai đặt vấn đề xin cưới, hẹn ngày gặp và chuẩn bị trao vòng (trôk kôông). Đến ngày hẹn, họ hàng nhà gái đến nhà trai làm lễ. Hai già làng có uy tín đại diện hai bên bàn bạc. Mỗi bên đại diện đặt trên chiếu một cái vòng bạc. Khi hoàn toàn đồng ý, họ cầm vòng lên trao cho đôi nam nữ. Chàng trai và cô gái yêu nhau mỗi người đeo một cái vòng ấy. Và sau là đến việc tổ chức lễ cưới.
Trường hợp chàng trai bội ước, không làm lễ cưới, thì anh ta phải trả cho cô gái một khoản phạt bằng hiện vật, và làm cho cô gái một lễ hiến sinh (một con lợn).
3 . Chiếc khăn piêu (Phụ nữ Thái)
Khăn đội đầu của phụ nữ Thái gọi là khăn piêu, có thể xem là một đặc trưng văn hoá. Nhìn khăn đội đầu, người ta có thể phân biệt được người đó thuộc dân tộc nào, thậm chí có thể phân biệt được các ngành khác nhau trong cùng một dân tộc.
Khăn piêu của phụ nữ Thái đen dệt bằng sợi bông nhuộm màu chàm tím sẫm, có độ dài chừng một sải tay. Mặt khăn piêu gọi là Nả piêu, được thêu bằng những đường chỉ ngũ sắc, tạo ra những đường dây hoa văn, gọi là dây Sài peng (dây tình). Các sợi dây tình này, đan xen vào nhau, tạo thành các hình vuông, hình ngôi sao xéo tám cánh, đối nhau từng đôi một. Hai đầu khăn piêu là vải ngũ sắc, các góc tết thành sừng, gọi là cút piêu. Cút piêu là những hình tròn như đồng xu quấn chỉ dày, đậm. Khi đã tìm hiểu nhau rồi, đi đến đính ước, thì khăn piêu trở thành vật tin. Piêu là quà biếu khi về nhà chồng, là sợi dây tình. Và cũng có thể là vật dâng cúng trong ngày lễ.
4. Mừng ngày sinh nhật
(Dân tộc Dao)
Một số dân tộc vùng núi xa xôi vẫn có tục tổ chức ngày sinh nhật để mừng... chủ yếu là mừng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Chẳng hạn như người Dao. Tiếng Dao gọi là Sèng nhật. Người ta trước hết mừng sinh nhật ông bà, cha mẹ hoặc người cao tuổi nhất trong nhà, chứ không mừng tràn lan cho tất cả mọi người. Năm đầu tiên, mời đông khách nhất, gồm họ hàng thân thích, hàng xóm láng giềng. Trước đó, gia đình chuẩn bị các đồ ăn thức uống. Phải dọn một mâm lên bàn thờ, mời thầy cúng khấn báo với tổ tiên là ngày này mừng sinh nhật ai, mời tổ tiên cùng về ăn cỗ. Khách đến dự lần lượt đến chào người được mừng sinh nhật, tặng quà và chúc những lời tốt đẹp. Những năm tiếp theo, nếu không có điều kiện thì không mời khách, nhưng vẫn làm cỗ trong gia đình để các cụ được vui.
5. Bát canh rêu đá (Dân tộc Thái)
Trong các ngày lễ lạt, người Thái cũng dùng các món ăn: thịt, cá, nộm và canh xương hầm măng, hầm đu đủ, nhưng giá trị nhất phải là bát canh rêu đá, tiếng Thái gọi là Kênh tau.
Người ta cho rằng thơm và ngon nhất là rêu đá ở Mường Lò (Văn Chấn) lại cho rằng không nơi nào có rêu đá ngon bằng ở suối núi (Nậm Thia), vì nơi đây có câu chuyện tình đau thương và cảm động. Truyền thuyết kể rằng có đôi trai gái yêu nhau, song bị bố mẹ ngăn cản. Nàng khóc, nước mắt chảy xuống ướt chín quả đồi, ướt mười ngọn núi, thành một dòng nước chảy xuyên rừng. Chàng trai nhớ thương bạn, đã lao đầu xuống dòng nước ấy. Thân thể chàng bị tan ra thành nhiều mảnh đá. Tóc xanh của người con gái bám vào những mảnh đá ấy, biến thành rêu xanh. Rêu đá suối Thia là kết quả của thiên tình sử bi thương. Ăn canh rêu đá ấy thì sẽ đậm đà tình thương nỗi nhớ.
Chiêu Dương