0936 678 231 - 0932 585 431

Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc: Gìn giữ bản sắc văn hóa và bảo tồn di sản áo dài Việt Nam trên quê hương thứ hai

Ngày 28/03/2025

Vừa qua, tại Thủ đô Praha - Cộng hòa Séc, Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc đã tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam, quảng bá áo dài và nâng cao hình ảnh cộng đồng trong mắt bạn bè quốc tế”. Đây là một trong những hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc (02/02/1950 - 02/02/2025).

Chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam, quảng bá áo dài và nâng cao hình ảnh cộng đồng trong mắt bạn bè quốc tế” cũng là hoạt động đầu tiên được tổ chức hướng đến kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Với mong muốn thúc đẩy việc quảng bá áo dài truyền thống Việt Nam cũng như nâng cao hình ảnh văn hóa đất nước con người Việt Nam trên quê hương thứ hai, chương trình Tọa đàm đã thu hút đông đảo sự quan tâm và hưởng ứng của cộng đồng. Đại diện các Hội đồng hương, các CLB văn hóa nghệ thuật tại Séc đã tham dự Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm ““Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam, quảng bá áo dài và nâng cao hình ảnh cộng đồng trong mắt bạn bè quốc tế”.

Tham dự chương trình Tọa đàm có bà Nguyễn Bích Liên - Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Tuyết Hạnh - Chủ tịch Câu lạc bộ Di sản Áo dài Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Bên cạnh đó, buổi Tọa đàm còn có sự tham gia của ông Đặng Đình Thịnh - Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Ninh; Ông Phạm Viết Đồng - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh; Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Phú Thọ; Bà Tống Thị Liên Hồng - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thái Nguyên. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của đại diện các Câu lạc bộ phụ nữ; Đại diện các CLB nghệ thuật truyền thống như: Dân ca ví dặm; Dân ca quan họ; Hát Xoan... cùng đại diện các Hội đồng hương có di sản văn hóa trên khắp các vùng miền tại Cộng hòa Séc và toàn thể BCH Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

Nhiều nội dung được chia sẻ trong chương trình Tọa đàm.

Nội dung chính của Tọa đàm cũng đã đề ra phương hướng, cách thức tổ chức, thời gian diễn ra sự kiện, kinh phí, nhân lực, Ban tổ chức các chương trình, những thuận lợi, khó khăn và biện pháp khắc phục... cho hai chương trình quan trọng sắp tới, dự kiến được tổ chức với quy mô toàn châu Âu trong năm 2025 tại Cộng hòa Séc. Ngoài ra, Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc trăn trở và cũng là định hướng quan trọng, làm sao để các loại hình nghệ thuật này có tính kế thừa, giúp thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Séc nuôi dưỡng niềm đam mê, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ cho tương lai.

Ông Phạm Gia Hậu - Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Phạm Gia Hậu - Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết: “Với thế mạnh là một cộng đồng đông đảo và là dân tộc thiểu số thứ 14 tại Séc, cùng sự đa dạng trong các loại văn hóa nghệ thuật dân gian được thể hiện qua các Hội đồng hương, các CLB văn hóa dân gian như: Quan họ Bắc Ninh; Dân ca Ví Giặm,; Hát Xoan... đã có nhiều hoạt động và sự kiện văn hóa được bà con tổ chức mang đến một cái nhìn sâu rộng hơn về những giá trị văn hóa của người Việt ngay trên nước bạn. Đặc biệt với chương trình “Cuộc thi áo dài phu nhân toàn châu Âu” từ năm 2018 đến nay đã mang hình ảnh người phụ nữ và tà áo dài Việt Nam lan tỏa khắp các nước châu Âu. Để có được những điều đó không phải đơn giản và cần có sự tâm huyết và quyết tâm rất lớn từ đội ngũ Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc nói riêng cùng sự ủng hộ của Liên Hiệp hội người Việt Nam tại CH Séc và các Hội đồng hương, các CLB nói chung”.

Chương trình Tọa đàm thu hút đông đảo khách mời và chị em khắp nơi về tham dự.

Cùng với sự hỗ trợ, đồng lòng của các đơn vị, các Hội đoàn, thì việc truyền dạy lại cho các thế hệ sau của người Việt về các giá trị văn hóa cội nguồn cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Liên Hiệp hội người Việt Nam tại Séc cũng như Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Séc luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Qua đây, ông Phạm Gia Hậu - Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Chủ tịch danh dự CLB Di sản Áo dài, cùng các khách mời đã tổng kết các chương trình mà Hội Văn hóa Nghệ thuật đã thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Áo dài, cũng như bảo tồn văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

Các Hội, Đoàn và CLB chụp ảnh lưu niệm.

Thông qua chương trình Tọa đàm lần này, Hội văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cũng như các Hội đồng hương và các CLB văn hóa tại Séc đã đưa ra những mục tiêu và kế hoạch thực hiện rõ ràng để có nhiều hơn nữa các hoạt động quảng bá văn hóa Việt nói chung và tà áo dài Việt Nam nói riêng. Với mục tiêu xây dựng các hoạt động văn hóa hiệu quả và tổ chức nhiều sự kiện có giá trị và ý nghĩa nhất định trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của Việt Nam, đặc biệt giúp người dân bản địa hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam thông qua di sản áo dài.

Lê Trung

Tin tức khác

Zalo phone Hotline