0936 678 231 - 0932 585 431

HOẠT ĐỘNG, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI THÔNG TIN KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

Ngày 06/02/2024

Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta chính thức trở thành một lĩnh vực hoạt động khoa học có tổ chức kể từ khi Phòng Thông tin khoa học và kỹ thuật được thành lập năm 1961 trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Ngay trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt những năm cuối 1960 và đầu 1970, Hội nghị thông tin khoa học và kỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức trong 3 ngày, từ 04 –06 tháng 3năm 1971, với sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước Trần Đại Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Cơ khí-Luyện kim Đinh Đức Thiện và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong phát biểu chỉ đạo Đường lối thông tin khoa học và kỹ thuật ở nước ta, đã nhấn mạnh: “Con đường nhanh nhất và rẻ nhất để tiến hành cuộc cách mạng kỹ thuật là vận dụng một cách sáng tạo những thành tựu khoa học và kỹ thuật sẵn có trên thế giới vào điều kiện cụ thể của ta. Vì vậy, công tác thông tin khoa học và kỹ thuật ở nước ta có một vị trí quan trọng đặc biệt”.

Sau đó, Nghị quyết số 89/CP ngày 04/5/1972 của Chính phủ về ”Tăng cường công tác thông tin khoa học và kỹ thuật” đã mở ra giai đoạn phát triển rực rỡ của ngành thông tin KH&CN. Đến những năm cuối 1990, ở nước ta đã bắt đầu hình thành hệ thống thông tin KH&CN quốc gia, mạng lưới các cơ quan và tổ chức thông tin KH&CN phủ khắp các bộ ngành và hầu hết các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, kể cả ở các cơ quan NCPT, bệnh viện, trường đại học và ở nhiều xí nghiệp/nhà máy lớn với đội ngũ cán bộ thông tin – tư liệu đông đảo tới cả nghìn người.

Khi nước ta bắt đầu chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, tiếp nhận xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò then chốt và có tính quyết định của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội, do đó đã tiến hành hoạch định và điều chỉnh các định hướng chiến lược và chính sách KH&CN nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 củaBộ Chính trị về “Khoa học và Công nghệ trong sự nghiệp đổi mới” đã xác định vai trò và định hướng phát triển Khoa học và Công nghệ trong công cuộc “Đổi mới”, đồng thời trong đó chỉ rõ, phải “Xây dựng hệ thống thông tin hiện đại về khoa học và công nghệ, kịp thời cung cấp thông tin mới cho các cơ quan lãnh đạo và quản lý…

Nhận thức rõ vai trò của thông tin KH&CN đối với phát triển kinh tế -xã hội, nhằm tập hợp đội ngũ trí thức thông tin KH&CN, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và quản trị thông tin, ứng dụng tin học và công nghệ thông tin, đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ thông tin, cũng như tư vấn, kiến nghị với Nhà nước về các chính sách và chủ trương phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ngành thông tin KH&CN nói riêng, Ban Vận động thành lập Hội Thông tin-Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam (được ra đời cuối những năm 1990) đã đệ trình lên Ban Tổ chức và Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) Đề án thành lập Hội Thông tin – Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam. Ngày 27/01/2000, Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ đã ký Quyết định số 04/2000/QĐ-BTCCBCP thành lập Hội Thông tin và Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam.

Như vậy, ngày 27/01/2000 là ngày Nhà nước chính thức công nhận Hội Thông tin và Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam là một tổ chức xã hội- nghề nghiệp. Đại hội đại biểu lần thứ 3 Hội Thông tin và Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam, được tổ chức vào ngày 15/4/2011, đã quyết định đổi tên thành Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam và ngày 29/6/2011 Bộ Nội Vụ chính thức ra quyết định số 1296/QĐ-BNV cho phép đổi tên Hội Thông tin tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam thành Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam như hôm nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) diễn ra trong bối cảnh cả nước đã trải qua 2 năm đối phó với đại dịch toàn cầu SARS-CoV-2 (COVID19), thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phòng chống thành công đại dịch; Toàn Đảng toàn dân đang nỗ lực triển thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt, Đại hội của chúng ta diễn ra khi hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp Hội Việt  Nam - lần VIII.

Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội chúng ta đã có hơn 24 năm hình thành và phát triển. Trong giai đoạn 2017-2023, Hội tiếp tục phát triển ổn định, vận động, tập hợp và đoàn kết được rộng rãi đội ngũ trí thức hoạt động trong  lĩnh vực thông tin - thư viện khoa học và công nghệ (KH&CN), tổ chức được nhiều hoạt động phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội. 

Việc củng cố và phát triển tổ chức Hội luôn dành được sự quan tâm của Ban chấp hành nhiệm kỳ vừa qua. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu lần IV của Hội, Ban Lãnh đạo Hội đã hoàn thiện Dự thảo Điều lệ (bổ sung, sửa đổi) của Hội (được thông qua tại Đại hội IV) và trình cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Nội vụ) phê duyệt. Kết quả Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ (bổ sung, sửa đổi) Hội Thông tin KH&CN Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 879/QĐ-BNV ngày 30/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo Điều lệ, hội viên của Hội Thông tin KH&CNVN gồm các hội thành viên, hội viên tổ chức và hội viên cá nhân.

Hội Thông tin KH&CNVN có quan hệ khá chặt chẽ với Hội Thư viện Việt Nam, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng các chương trình hợp tác về chuyên môn, nghiệp vụ.

Về quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội giữ mối liên lạc với Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ. Là hội thành viên của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (LHH), Hội đã tích cực tham gia các hoạt động của LHH: góp ý cho Dự thảo Luật về Hội, góp ý kiến Báo cáo tổng kết hoạt động LHHVN nhiệm kỳ VI, vận động tham gia các hoạt động ủng hộ do LHHVN tổ chức.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (2000-2020). Lễ kỷ niệm đã được tổ chức trọng thể tại Đồ Sơn Hải Phòng với sự hỗ trợ và phối hợp của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng (trong đó Trung tâm Thông tin KH&CN Hải Phòng - hội viên tổ chức của Hội có nhiều đóng góp vào tổ chức sự kiện).

Tư vấn và phản biện xã hội là một trong những nội dung quan trọng của công tác hội. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống. Chính phủ cũng đã có những quy định cụ thể về hoạt động tư vấn, phản biện xã hội ([1]). Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội vẫn tích cực tham gia vào công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội dưới nhiều hình thức như: tham gia góp ý kiến vào các dự án, đề án theo đề nghị của Liên hiệp hội Việt Nam hoặc của các Bộ, ngành, cơ quan tổ chức. Đại diện Lãnh đạo Hội đã tích cực tham gia và có ý kiến góp ý tại các hội thảo góp ý các dự thảo Luật, chủ trương đường lối của Đảng do LHHVN tổ chức. (thí dụ tham gia vào góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử, Luật Thi đua khen thưởng, ....). Hội đã thực hiện xem xét, góp ý cho nhiều dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN về thông tin và tư liệu theo yêu cầu của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (ví dụ như: dự thảo TCVN Thông tin và tư liệu - Thông kê thư viện ; dự thảo các TCVN Thông tin và tư liệu - RFID trong thư viện (Phần 1, phần 2 và phần 3); 02 dự thảo TCVN liên quan đến định dạng tệp PDF; 02 dự thảo TCVN về Dublin Core). Các chuyên gia của Hội cũng tham gia vào góp ý, soạn thảo văn bản liên quan đến hoạt động thông tin KH&CN như Dự thảo Thông tư của Bộ KH&CN quy định yêu cầu kỹ thuật đối với dữ liệu đầu vào của CSDL quốc gia về KH&CN;.. ).

Hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức còn hạn chế. Việc phổ biến thông tin và phổ biến kiến thức được triển khai chủ yếu thông qua cơ quan báo chí của Hội.

Trong nhiệm kỳ 2017-2023 đã tổ chức được một số cuộc hội thảo chuyên đề như:

- Hội thảo phổ biến kiến thức với nhan đề: “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới hoạt động thông tin khoa học và công nghệ” (12/2018).

- Hội thảo “Chuyển đổi số với hoạt động thông tin-thư viện KH&CN Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (năm 2019);

- Hội thảo khoa học CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ nhân Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam (tháng 1/2020).

- Hội thảo “Chuyển đổi số, AI & Robot trong sản xuất công nghiệp” ([2]) tháng 11/2022 với sự phối hợp của Trường đại học FPT, Công ty Cổ phần truyền thông và đầu tư thương mại APEC, Trường Đại học KH&CN quốc gia Seoul (SEOULTECH) và Công ty UBION CO. LTD (UBION).

- Hội thảo “Ngọt ngào mía đường – Vững bước tương lai” nhằm phổ biến kiến thức về ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp nhằm giới thiệu và chia sẻ những kiến thức mới trong trồng mía và sản xuất đường, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường do Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ tài trợ tổ chức tại Nghệ An ngày 16/12/2023.

- Hội thảo “Chuyển đổi số - chìa khoá hướng tới nền nông nghiệp hiện đại” ngày 18/12/2023 tại Công ty Bảo Việt Nhân Thọ Sơn La tập trung vào đào tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong bán và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức với sự phối hợp của Công ty GREEN HOPE và Viện nền tảng số REDPOLA do Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ tài trợ.

 Các hội thảo được đánh giá là có chất lượng, được sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, các hội viên tổ chức của Hội, các nhà khoa học trong lĩnh vực.

Văn phòng Hội đã xây dựng 02 đề xuất nhiệm vụ phổ biến kiến thức từ kinh phí của LHHVN. Tuy nhiên những nỗ lực này chưa đạt kết quả mong muốn. Chỉ có 01 nhiệm vụ được LHHVN chấp nhận cấp kinh phí triển khai ([3]) (Trong giai đoạn vừa qua, những thuyết minh của chúng ta chưa được chấp nhận nên không có kinh phí để triển khai các hoạt động mong muốn.

Trong giai đoạn vừa qua, Hội đã ký kết Bản ghi nhớ "HỢP TÁC TẠO LẬP, NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN TRI THỨC SỐ" với Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số và một số đơn vị khác (Cục Thông tin KH&CN quốc gia; Thư viện quốc gia Việt Nam; Hội Thư viện Việt Nam, Trung tâm Thư viện và Tri thức số Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Quân đội; Thư viện Công an Nhân dân). Mục đích của hợp tác là cùng hợp tác nghiên cứu, tạo lập và phát triển tri thức số dựa trên thế mạnh riêng của mỗi bên, thông qua đó xây dựng cộng đồng nghiên cứu, phát triển, chia sẻ và sử dụng chung nguồn tài nguyên thông tin này phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tao, nghiên cứu và triển khai của toàn xã hội. Nội dung hợp tác tập trung vào:

- Đề xuất và xây dựng chính sách và những cơ chế phối hợp trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ, dùng chung tri thức số tại Việt Nam;

- Nghiên cứu thực trạng tri thức số tại các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai tại Viêt Nam, từ đó đánh giá và đề xuất kế hoạch phát triển, dùng chung tri thức số;

- Phối hợp xây dựng cộng đồng nghiên cứu, phát triển tri thức số tại Việt Nam;

- Lựa chọn các giải pháp công nghệ mang tính bền vững, hiện đại và phù hợp với điều kiện Việt Nam để tạo ra các nền tảng tốt cho phát triển và chia sẻ tri thức số;

- Nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác giữa các tổ chức đào tạo, nghiên cứu và triển khai trong việc phát triển và chia sẻ tri thức số;

- Tích cực quảng bá và thúc đẩy tạo lập, chia sẻ và khai thác tri thức số trong cộng đồng.

Hoạt động hợp tác quốc tế bản ghi nhớ hợp tác hoạt động giữa Viện của Hội còn hạn chế. Tháng 10/2022, Hội Thông tin KH&CN Việt Nam cùng Công ty Cổ phần truyền thông và đầu tư thương mại APEC, Trường Đại học KH&CN quốc gia Seoul (SEOULTECH) và Công ty UBION CO. LTD (UBION) Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác hoạt động phổ biến thông tin về CMCN 4.0, chuyển đổi số. Trên cơ sở Bản ghi nhớ (MOU), đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, AI & Robot trong sản xuất công nghiệp” với sự phối hợp của Trường đại học FPT, Công ty Cổ phần truyền thông và đầu tư thương mại APEC, Trường Đại học KH&CN quốc gia Seoul (SEOULTECH) và Công ty UBION CO. LTD (UBION).

Hội tích cực tham gia và vận động các đơn vị trực thuộc tham gia ủng hộ công tác công tác phòng chống dịch Covid19 theo lời kêu gọi của Nhà nước, Liên hiệp hội Việt Nam. Văn phòng Hội đã đóng góp 3.000.000 đồng vào quỹ phòng chống dịch Covid19 của Trung ương. Các đơn vị trực thuộc Hội đã đóng, vận động đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid19 trị giá 203.800.000đ

Để có nguồn tài chính cho hoạt động của Hội, trong thời gian của nhiệm kỳ Văn phòng Hội đã phối hợp với một số hội viên tổ chức của Hội thực hiện được một số hợp đồng dịch vụ thông tin KH&CN, đem lại một nguồn kinh phí nhất định cho hoạt động của Hội. Văn phòng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước về các khoản thu từ dịch vụ thông tin KH&CN.

Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập kinh tế toàn cầu đang phát triển theo hướng hiện đại cùng với lợi thế về tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển ổn định, nguồn nhân lực đang trong thời kỳ “thế hệ vàng” với tiềm năng trí tuệ dồi dào. Có thể chúng ta đang ở trong một bối cảnh mới:

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi cơ bản lực lượng lao động xã hội. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự chuyển đổi nền kinh tế quốc gia theo mô hình kinh tế tri thức; theo đó, chuyển đổi từ mô hình dựa vào tài nguyên, thâm dụng lao động sang mô hình lấy tri thức, thông tin, năng lực đổi mới sáng tạo làm tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hội nhập quốc tế được xem là một xu thế tất yếu, giúp mở rộng không gian phát triển của quốc gia; đồng thời, tạo cơ hội thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghệ quốc gia, cũng như mở rộng “sân chơi” giao lưu, hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong nước. Tuy nhiên Xu hướng hình thành thế giới đa cực (“đa cực hoá” thế giới) đang diễn ra mạnh mẽ, làm cho thế giới đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình; cạnh tranh quốc tế ngày cành mạnh mẽ và quyết liệt.

- Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi sốNhững thành tựu đã đạt được tạo ra môi trường vô cùng thuận lợi để con người Việt Nam nói chung và cho đội ngũ trí thức nói riêng hoàn thiện, phát triển năng lực về mọi mặt và nâng cao vị thế xã hội của mình.

- Trên thế giới và ở trong nước đang diễn ra nhiều biến động phức tạp, khó lường. Hiện nay, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những biến động, hiểm họa khắc nghiệt, như thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh, xung đột vũ trang, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng kinh tế, chính trị... Bên cạnh đó, còn có sự xâm lấn, đan xen của các luồng tư tưởng, hệ giá trị khác nhau, nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu. Các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội, để đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, truyền bá những quan điểm sai trái, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ, lợi dụng bộ phận trí thức cực đoan, bất mãn để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Do vậy, tập hợp và phát huy vai trò đội ngũ trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam nói chung và của Hội Thông tin KH&CN Việt Nam nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Củng cố và phát triển Hội Thông tin KH&CN Việt Nam để tập hợp, đoàn kết và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát huy trí tuệ sáng tạo của trí thức, tích cực tham gia công cuộc phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Hội trong giai đoạn tới.

Liên quan đến lĩnh vực thông tin KH&CN, có thể thấy thông tin, thống kê khoa học và công nghệ đã và đang được nhìn nhận là một trong những yếu tố hàng đầu cho phát triển kinh tế tri thức. Trong điều kiện cách mạng KH&CN đang diễn ra với quy mô rộng lớn, KH&CN ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội thì thông tin KH&CN thực sự trở thành nguồn lực quan trọng không thể thiếu được trong xã hội thông tin. Đặc biệt, “phát triển và nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng chuyển đổi số” là một trong những định hướng trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu mới của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại địa phương đã có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức hoạt động thông tin KH&CN sau khi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp gồm cả thông tin, thống kê KH&CN, ứng dụng KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng  (với 22 tên gọi khác nhau, trong đó chủ yếu là Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN).

Phương hướng và nhiệm vụ trong thời gian tới

Hội Thông tin KH&CN Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp vững mạnh; giữ vai trò nòng cốt trong công tác tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức trong hoạt động thông tin - thư viện KH&CN nói riêng và trí thức KH&CN nói riêng; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên bao gồm cả hội viên tổ chức và hội viên cá nhân; là nhân tố có ý nghĩa trong việc đưa thông tin KH&CN trở thành nguồn lực phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Về xây dựng và phát triển Hội: Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực và đổi mới phương thức hoạt động của Hội; Tuyên truyền rộng rãi về hoạt động của Hội, đặc biệt tích cực phát triển hội viên mới (mở rộng tới các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động, ứng dụng KH&CN), là các tập thể, cá nhân và hội thành viên):Hỗ trợ hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Hội.

Về tập hợp, vận động trí thức và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của hội viên phù hợp với quy định pháp luật: Tiếp tục tăng cường công tác tập hợp vận động trí thức hoạt động trong lĩnh vực thông tin KH&CN. Củng cố và phát triển Hội Thông tin KH&CN Việt Nam để tập hợp, đoàn kết và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát huy trí tuệ sáng tạo của trí thức, tích cực tham gia công cuộc phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện tốt việc tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.

Về phát triển sự nghiệp thông tin khoa học và công nghệ: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm đề xuất với Nhà nước chiến lược phát triển thông tin kinh tế, KH&CN, các chính sách phát triển thông tin kinh tế, KH&CN ở cấp quốc gia và địa phương; Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thông tinkinh tế, KH&CN, tham gia thực hiện các dịch vụ thông tin phục vụ chương trình, đề án kinh tế-xã hội và KHCN; Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo thường xuyên và tập huấn ngắn ngày; Tổ chức hội thảo khoa học và báo cáo chuyên đề, ...Đẩy mạnh hoạt động tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên lĩnh vựctrong các ngành, kinh tế - xã hội và tư vấn chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, trực tiếp tới cơ sở, trên nền tảng tổ chức và phát triển quan hệ hợp tác, tiếp cận trực tiếp, cụ thể nhu cầu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ của cơ sở.

Về quản lý báo chí: Làm tốt công tác quản lý báo chí của Hội; Đảm bảo cơ quan báo chí của Hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; đúng pháp luật; tránh tình trạng báo hóa; Củng cố Ban biên tập của Tạp chí phù hợp với quy định của Đảng và Nhà nước.

Về quan hệ hợp tác, đối ngoại: Đẩy mạnh hợp tác với các hội và hiệp hội, đặc biệt là Hội Thư viện Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề kinh tế Việt Nam, hội nhập quốc tế. Giới thiệu hoạt động của Hội với quốc tế và các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội và KHCN trong nước; đồng thời, hợp tác, liên kết, tham gia vào hoạt động của các tổ chức có liên quan trong khuôn khổ các quy định của pháp luật hiện hành;Tìm kiếm nguồn kinh phí để thực hiện các dự án thông tin và tham gia vào các tổ chức thông tin và tư liệu quốc tế và khu vực;

Về tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương và pháp luật của Nhà nước và kiến thức KH&CN và BVMT: Tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương và pháp luật của Nhà nước cho các hội viên và đội ngũ thông tin và tư liệu nói chung; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin công nghệ thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu và trình diễn công nghệ; Tham gia xã hội hoá và phổ biến kiến thức KH&CN cho nhân dân, nhất là đối với nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa; Phối hợp và hợp tác với các tổ chức KH&CN, tổ chức truyền thông, tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ kháctrong công tác tuyên truyền và phổ biến này.

Với tinh thần “Đoàn Kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển”, Hội Thông tin KH&CN Việt Nam và các hội viên, các tổ chức trực thuộc, đội ngũ trí thức trong lĩnh vực thông tin KH&CN nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Hội Thông tin và KH&CN Việt Nam trở thành tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực sự vững mạnh; có vị trí và uy tín trong xã hội, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

(theo Tạp chí in ”Thông tin và Phát triển” số Xuân Giáp Thìn)

Tư liệu:

[1] Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Về nguyên tắc, hoạt động tư vấn, phản biện, giám định XH thực hiện theo đặt hàng của cơ quan có thẩm quyền hoặc do Hội đề nghị nhưng được sự đồng ý của cơ quan quản lý dự án.

[3] Nhiệm vụ tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số với hoạt động thông tin-thư viện KH&CN Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (năm 2019).

 

 

Tin tức khác

Zalo phone Hotline