Ngày 16/01/2025
Tranh đinh chỉ hay còn gọi là “String art” - bộ môn nghệ thuật mới đang dần phổ biến ở Việt Nam, các tác phẩm sẽ được tạo nên chỉ từ đinh và chỉ. Đây là bộ môn đầy sáng tạo, đòi hòi sự kiên nhẫn để tạo ra một sản phẩm độc đáo và cuốn hút.
Và nghệ sĩ trẻ Trần Ngọc Khôi cùng chị gái mình là Trần Thị Kim Hoa đã thật sự thổi hồn vào trong những bức tranh nghệ thuật, tạo nên sự độc đáo hiếm có và đầy sống động. Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, Tạp chí Thông tin và Phát triển đã có buổi trò chuyện với các nghệ sĩ yêu thích bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, độc đáo này.
Lý do nào mà chị và em chị tìm đến với dòng tranh đinh chỉ - String Art - mới du nhập vào Việt Nam?
Năm 2021, em trai mình tình cờ xem được tác phẩm Tranh dây của một nghệ sĩ Nhật Bản. Cậu ấy bị cuốn hút bởi cách những chiếc đinh và sợi chỉ mong manh được biến hóa thành các tác phẩm nghệ thuật sống động. Sau một thời gian tự nghiên cứu, cậu ấy đã chia sẻ ý tưởng và rủ mình tham gia.
Nghệ sĩ trẻ Trần Ngọc Khôi và bức tranh đinh chỉ do chính tay anh thực hiện
Ban đầu, mình chỉ hỗ trợ em trai trong việc thực hiện các công đoạn nhỏ. Nhưng càng làm, mình càng bị cuốn vào loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Không chỉ là một công việc, Tranh dây nhanh chóng trở thành niềm đam mê lớn khi mình thấy những tác phẩm đầu tiên dần hình thành.
Chúng mình bắt đầu tự mày mò qua tài liệu và video hướng dẫn, rồi cùng nhau sáng tạo, cải tiến để phù hợp hơn với thị trường Việt Nam. Mọi thứ lúc đầu không hề dễ dàng, nhưng cả nhóm đã từng bước hoàn thiện kỹ thuật, biến ý tưởng ban đầu thành những tác phẩm ngày càng đẹp mắt và đầy ý nghĩa.
Khó khăn lớn nhất của bạn khi thực hiện một bức tranh là gì?
Khó khăn lớn nhất khi làm Tranh dây là việc căng chỉ và tạo hình. Đây là công đoạn đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung rất cao, vì nếu chỉ bị lỏng hoặc căng sai hướng, cấu trúc bức tranh sẽ bị hỏng ngay. Thêm vào đó, mỗi bức tranh có những chi tiết cần đặc biệt chú trọng, như đôi mắt hoặc nụ cười của nhân vật. Thần thái là yếu tố rất quan trọng trong tranh chân dung, nên mình thường phải chỉnh sửa nhiều lần để đạt được sự hài hòa.
Ví dụ, với bức tranh thiếu nữ dân tộc, mình mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện ánh mắt và nụ cười đặc trưng. Ngoài ra, trong quá trình làm, nhóm mình cũng gặp không ít sự cố như chỉ bị rối, đứt hoặc đinh bị đóng sai, khiến phải tháo ra làm lại từ đầu. Đây là thử thách, nhưng cũng là cơ hội để cả nhóm rèn luyện thêm kỹ thuật và sự kiên nhẫn.
Bạn thực hiện một bức tranh đến giờ theo bạn khó nhất là bức tranh nào và bạn tâm đắc nhất điều gì?
Khó nhất có lẽ là bức chân dung Phật Thích Ca kích thước 80x120cm. Đây là bức tranh lớn nhất nhóm từng thực hiện, yêu cầu phải thử đi thử lại đến 7 lần và mất hơn 2 tháng để hoàn thành. Độ chi tiết của bức tranh rất cao, từ nếp áo đến ánh mắt, nên từng sợi chỉ đều phải được xử lý tỉ mỉ. Kết quả cuối cùng khiến nhóm mình rất hài lòng, không chỉ vì sự đẹp mắt mà còn vì ý nghĩa tâm linh mà bức tranh mang lại.
Chị Trần Thị Kim Hoa cũng là người cùng với em trai mình là Trần Ngọc Khôi sáng tạo nên những bức tranh đinh chỉ
Ngoài ra, bức tranh chân dung bà nội của một khách hàng ở Nam Định cũng để lại nhiều cảm xúc. Đây là món quà chị ấy muốn tặng bố mình, và nhóm đã làm đi làm lại nhiều lần để đảm bảo đúng ý. Với độ dài chỉ lên tới 1km và yêu cầu chi tiết cao, đây là một trong những tác phẩm tốn công sức nhất. Điều làm mình tâm đắc là mỗi bức tranh đều không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn mang câu chuyện riêng, đầy cảm xúc và ý nghĩa.
Kinh phí để thực hiện một bức tranh đinh chỉ khoảng bao nhiêu tiền? Và bạn đã nhận được bao nhiêu từ việc bán bức tranh đó?
Nguyên liệu để làm một bức Tranh dây thực ra rất đơn giản, chỉ gồm gỗ công nghiệp, đinh kim loại chống gỉ và sợi chỉ chất lượng cao. Nhưng giá trị của một bức tranh không thể đo đếm chỉ dựa vào nguyên liệu. Điều làm nên sự khác biệt chính là công sức và tâm huyết của người thợ.
Mỗi bức tranh yêu cầu hàng chục đến hàng trăm giờ lao động tỉ mỉ, từ việc đóng từng chiếc đinh, căng từng sợi chỉ cho đến xử lý các chi tiết nhỏ nhất để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh. Giống như tranh sơn dầu không thể quy đổi bằng số lít màu hay khung vải, tranh đinh chỉ cũng mang giá trị lớn nhất ở công sức, sự sáng tạo và câu chuyện mà người thợ gửi gắm vào từng chi tiết.
Giá bán một bức tranh dao động từ 6 đến 30 triệu đồng, phụ thuộc vào kích thước và độ phức tạp. Nhưng với nhóm mình, niềm vui và sự trân trọng từ khách hàng mới là điều khiến mỗi tác phẩm trở nên vô giá.
Bạn đã làm một bức tranh đông người trong cùng một tranh chưa? Và có khó khăn không?
Có, nhóm mình từng thực hiện bức tranh chân dung một gia đình lớn với nhiều khuôn mặt trên cùng một khung tranh. Đây là tác phẩm rất thách thức, vì phải làm sao để tất cả khuôn mặt đều rõ nét, cân đối và có thần thái riêng. Việc cân chỉnh đinh và căng chỉ rất phức tạp, vì nếu sai một chút, tổng thể bức tranh sẽ không đạt yêu cầu.
Mặc dù mất nhiều thời gian, nhưng hoàn thành bức tranh đó là một trải nghiệm đáng giá. Nhóm mình học được cách phối hợp ăn ý hơn và cải thiện kỹ thuật để xử lý những tác phẩm phức tạp hơn trong tương lai.
Cảm ơn bạn và chúc cả 2 chị em sẽ thành công hơn nữa, được nhiều người biết đến hơn ở môn nghệ thuật tranh đinh chỉ đầy độc đáo này!
Dạ Thảo