Ngày 17/01/2025
Là một họa sĩ đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực vẽ sơn dầu trên toan với phong cách tả thực qua nhiều giải thưởng uy tín như: Giải Nhất triển lãm Mỹ thuật Hà Nội năm 1998, Giải đồng hạng Asean năm 2000, Giải C triển lãm Mỹ thuật Hà Nội năm 2002, Giải thưởng Bùi Xuân Phái (Vì tình yêu Hà Nội) năm 2009… nhưng vào dịp đầu xuân 10/1/2025 Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn lại bất ngờ trưng bày triển lãm TRANH CHỮ ở một số chất liệu và phong cách hoàn toàn mới mẻ.
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn
Với người nghệ sĩ, tìm và định hình cho mình một phong cách đã khó. Đặt được dấu ấn cá nhân nghệ sĩ trong tâm trí người thưởng thức nghệ thuật càng khó hơn. Từ một họa sĩ có tên tuổi trong tranh sơn dầu với phong cách tả thực qua nhiều giải thưởng, đặc biệt là dấu ấn của bức tranh hoành tráng “Hà Nội Chiến lũy và Hoa” rẽ sang một phong cách hoàn toàn mới mẻ, đây là bước thử nghiệm hay sự dấn thân lâu dài?
Trước hết tôi xin được cảm ơn sự ghi nhận từ phía bạn trên con đường hội họa mà tôi đã theo đuổi. Quả thực, những thành tựu đạt được trong quãng thời gian tôi miệt mài như trong cơn say với tranh sơn dầu theo phong cách tả thực cũng đã mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt. Là hạnh phúc không thể diễn tả khi mình hoàn thành mỗi tác phẩm của mình. Bên cạnh đó cũng có cả những khoảnh khắc cảm giác mệt mỏi, đuối sức khi mình dốc toàn tâm, toàn lực cho một bức tranh với mức yêu cầu kỹ càng từng chi tiết nhỏ, cho một bức tranh hoành tráng quá lớn mà vì đam mê mình đã dấn thân.
Nói về sự dấn thân, xin trả lời câu hỏi trên của bạn, tranh chữ với tôi, trong thời điểm hiện tại vừa là bước thử nghiệm cũng vừa là một sự dấn thân thực sự. Tôi nghĩ, không chỉ với riêng nghệ sĩ, bất kể một nghề nào khác, khi bạn thử nghiệm một con đường mới, một nghề hay lĩnh vực nào mới, bạn buộc phải dấn thân một cách nghiêm túc. Chỉ có sự nghiêm túc mới được trả công xứng đáng.
Vậy anh có tiếp tục mạch sáng tác theo thế mạnh của mình ở tranh sơn dầu khi đã bén duyên với tranh chữ?
Khi tìm hiểu và thử đặt những nét vẽ TRANH CHỮ đầu tiên, tôi hoàn toàn không vẽ với tâm thế đi tìm cái mới để thay thế cái cũ. Tranh sơn dầu với tôi, đó không chỉ là duyên, không chỉ là những tri thức, kỹ thuật mà tôi đã tích lũy được trong cả một chặng đường dài. Hơn hết, đó là mạch nguồn đã ngấm sâu trong tâm trí, trong hơi thở, trong mỹ cảm và đã chi phối hành trình sáng tạo của tôi. Do vậy không có lý do gì tôi lại quay lưng với sở trường, với con đường đã mở rộng lối đi cho mình.
Tuy nhiên, bản chất của người nghệ sĩ là luôn luôn muốn đi tìm cái mới, muốn khai phá những khả năng ẩn tàng ở bên trong mình. Tôi đã tìm thấy ở tranh chữ một nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào và tôi bắt đầu dấn bước.
Anh có thể chia sẻ, tranh chữ là ý tưởng xuất hiện ngẫu nhiên hay còn từ một nguyên do nào khác?
Từ thuở sinh viên, tôi cũng như bao bạn họa sĩ khác, thích lang thang vẽ mọi thứ mình quan sát được. Và chúng tôi rất nhiều lần vẽ cổng làng, mái chùa, đền thờ… nơi có những câu đối chữ Nôm bị phong hóa, nét còn nét mất. Cứ gặp chữ Nôm, chúng là chúng tôi phác lại bằng những nét vẽ nguệch ngoạc mà không hiểu chữ mình đang vẽ có ý nghĩa gì.
Đôi khi bắt gặp một ai đó nghiêng đầu đọc ra được từng chữ, tôi tự thấy kính nể vô cùng. Sau này, khi đã miệt mài nhiều năm với cây cọ, có mấy chữ trong nhà thờ họ, ít chữ trên mộ tổ, phải chụp ảnh gửi ra viện Hán Nôn nhờ người dịch, rồi giải nghĩa, tôi mới vỡ lẽ được nhiều điều. Đối với những di sản cha ông để lại, có lẽ chúng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà thế hệ chúng tôi, từ bé chỉ học chữ quốc ngữ hoàn toàn không biết gì.
Gần đây, khi nghiên cứu nghệ thuật đi nét bút của Mỹ thuật Trung Quốc, tôi mới bắt đầu tìm hiểu chữ Nôm. Từ đó tôi bắt đầu mua bút, sách, mực tự tập viết trong những lúc rảnh rỗi. Tôi rất hào hứng, học chữ nào nhớ chữ ấy. Nhưng bắt đầu từ chữ thứ 20, tôi nhận ra là tôi quên chữ đầu tiên. Nghĩa là học thêm được một chữ thì lại quên mất một chữ. Học chữ Nôm hay học tiếng Trung, có một khó khăn là, dù nó được hình thành từ 8 loại nét cơ bản, 216 bộ thủ, gắn kết theo nguyên tắc tượng hình, hình thanh thì thực ra bạn vẫn phải thuộc 5.000 hình chữ như 5.000 bố cục hình nét. Nếu chữ quốc ngữ chỉ cần biết đánh vần, bạn đã có thể bật ra âm đọc từng chữ, thì chữ Nôm hay tiếng Trung hầu như không thấy dấu vết đó.
Tôi tưởng chừng đã bỏ cuộc học chữ Nôm. Cho đến một ngày, có người bạn nói với tôi rằng: Anh hãy để ý đến hình thể của nó, anh sẽ thấy dễ nhớ hơn. Và tôi quyết định tiếp cận chữ Nôm không phải để học thuộc hết tất cả các mặt chữ. Mà là để tìm cái nét đẹp văn hóa, mỹ thuật trong từng con chữ. Và đó là lý do tôi có một cuộc trưng bày Tranh chữ này.
Anh có thể chia sẻ về cảm nhận của anh khi vẽ chữ Nôm?
Tự bao đời nay, theo vòng quay mặt trời, mặt trăng, người Á Đông chúng ta đã quen với vòng quay thời gian được tính theo các năm tương ứng với 12 con giáp, và mười địa chi.
Với người Việt, bên cạnh vẻ đẹp mang dấu ấn văn hóa, gọi tên năm tháng theo vòng xoay trời đất, chữ Nôm còn gửi gắm nhiều ước vọng khi đặt tên làng, tên Nước, đặt tên dòng họ và đặt tên cho từng cá nhân. Chính điều này đã thôi thúc tôi tìm hiểu vẻ đẹp của lịch sử, văn hóa, các lớp nghĩa ẩn tàng trong chữ Nôm từ đó mượn khả năng biểu cảm của Hội họa và diễn họa để tạo ra cuộc trưng bày tranh chữ.
Tôi muốn khơi sâu các tầng cảm nhận và tri giác của tôi cũng như của mọi người trong cuộc trưng bày này. Chữ Nôm không phải là điều gì đó bí ẩn, mơ hồ xa lạ hay cũ kỹ. Ta muốn nó rực tươi mới, nó có thể rực rỡ tươi mới; muốn nó dễ hiểu thì nó rất dễ hiểu. Chữ Nôm sâu lắng, đa tầng, đa nghĩa nhưng không phải để đánh đố. Vượt lên mọi sự lý giải theo ý nghĩa tự thân, Chữ Nôm mời gọi sự kiếm tìm ẩn tàng đằng sau sự hiển lộ thông thường.
Đặc biệt ở chữ Nôm, tâm thế của người vẽ chữ giữ vị trí vô cùng quan trọng. Bởi người vẽ chữ chính là nhân tố tạo ra sự sự cộng hưởng giữa ý nghĩa nội sinh của chữ, năng lượng ngoại sinh từ người vẽ, đến sự tiếp nhận của người treo tranh chữ. Nghĩa là Tâm thế của người vẽ chữ cùng với ý nghĩa ẩn tàng trong chữ sẽ tạo ra năng lượng quý khi có sự nhập tâm, kết nối với người treo chữ. Và đó là điều mà tôi hướng đến.
Vậy là anh cũng có thể vẽ chữ mang tên riêng của một ai đó giống như các ông đồ cho chữ đầu xuân?
Rất cảm ơn cảm câu hỏi thú vị của bạn. Tôi nghĩ, với mạch tranh chữ đang được khơi nguồn, tôi còn rất nhiều ý tưởng để diễn họa các bức tranh chữ lớn hơn ở nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đó chữ Nôm là trung tâm. Ngôn ngữ là thứ kết nối con người và tôi mong sẽ có nhiều dân tộc, nhiều cộng đồng người nhận ra tên nước mình, tên những thứ gắn bó thân thương với quê hương xứ sở của mình qua những bức tranh chữ mà tôi sẽ tiếp tục thể hiện.
Còn một bức tranh chữ cho những người thân, cho bạn bè, cho các vị khách quý được thể hiện trên các chất liệu khác nhau như giấy gió, sơn dầu, sơn mài… sẽ là nguồn cảm hứng mà tôi rất hân hạnh được thực hiện. Và công việc thú vị này hoàn toàn không bị phụ thuộc vào tính thời vụ mà vào bất kể thời điểm nào khi có sự gặp nhau giữa họa sĩ và người yêu chữ.
Trân trọng cảm ơn cuộc trao đổi thú vị của họa sĩ và chúc họa sĩ luôn dồi dào năng lượng sáng tạo, có nhiều thành công không chỉ tại cuộc triển lãm đầu xuân mà trên cả hành trình nghệ thuật của mình.
Bảo Ngọc