Ngày 29/05/2024
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5/2024, Bác sĩ CKI Nguyễn Xuân Quang Huy - Giám đốc điều hành của Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Medcare nhấn mạnh thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch mà còn tác động tiêu cực đến da, gây ra nhiều bệnh lý đáng lo ngại.
Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 trường hợp tử vong vì các bệnh lý liên quan đến thuốc lá. Bên cạnh đó, có khoảng 33 triệu người không hút thuốc phải chịu ảnh hưởng do “hút thuốc thụ động”. Từ những con số “khổng lồ” này, có thể thấy rằng tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe là không thể phủ nhận.
Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu.
Đặc biệt, những người hút thuốc lá sẽ dễ mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng về da bao gồm lão hóa sớm, chậm lành vết thương, bệnh vẩy nến, viêm da tiếp xúc dị ứng (chàm tay), ung thư da (ung thư biểu mô tế bào vảy), và viêm tuyến mồ hôi mủ (hidradenitis suppurativa), bệnh bạch biến.
Chia sẻ cụ thể về ảnh hưởng của thuốc lá đối với làn da, Bác sĩ da liễu Nguyễn Xuân Quang Huy, Giám đốc điều hành của Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Medcare cho biết theo nghiên cứu, da mặt của người hút thuốc lá sẽ có dấu hiệu lão hóa rõ rệt, độ săn chắc giảm, da chảy xệ, khô da và các sắc tố da không đồng đều do sự giảm hoạt động của các tế bào sản sinh collagen trên da. Ngoài ra, những người hút thuốc lá lâu năm có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm hơn ở da, điển hình như ung thư da ở quanh vùng môi, niêm mạc trong và miệng.
Ngoài ra, khi hút thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tình trạng làm lành vết thương. Từ đó, khi chúng ta bị một vết thương trên da hay là chúng ta phải phẫu thuật thì các vết thương sẽ làm bị nguy cơ dễ nhiễm trùng và dễ hoại tử hơn, từ đó dễ hình thành sẹo hơn rất là nhiều.
Bên cạnh đó bạch biến cũng là một trong những bệnh lý da liễu mà hút thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm. Với hơn 7 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và điều trị bệnh bạch biến, bác sĩ Nguyễn Xuân Quang Huy cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa thuốc lá và căn bệnh da liễu đặc biệt này: “Các nghiên cứu cho thấy rằng, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm phát triển bệnh bạch biến. Người bị bệnh bạch biến hút thuốc lá chủ động hay thụ động đều có khả năng làm nặng thêm tình trạng bạch biến và xảy ra hiện tượng kháng trị, đặc biệt ở đầu ngón tay. Vị trí này được xem là vùng bạch biến khó điều trị nhất trên cơ thể”.
Việc hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của bản thân mà còn gây hại đến môi trường và những người xung quanh. Chính vì vậy, Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang Huy khuyến khích mọi người từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá để bảo vệ sức khỏe da và toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên việc cai thuốc lá không phải là việc dễ dàng và đòi hỏi nhiều quyết tâm và nỗ lực, bác sĩ Quang Huy gợi ý: “Những ai muốn bỏ thói quen hút thuốc có thể áp dụng các phương pháp như nhai kẹo cao su, thực hiện chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý. Ngoài ra trên thị trường hiện nay còn các sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá như miếng dán nicotine, nhưng trước khi sử dụng, người dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả”.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tương tự, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc. Đây cũng là một trong những kết quả khởi sắc trong quá trình phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung. Tuy nhiên, phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn là hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, quyết tâm và sự hợp tác của các cá nhân và tập thể để góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khỏe thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến.
Tại Việt Nam, hàng năm được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31-5.
Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và mọi người dân Việt Nam vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và cộng đồng, hãy tiếp tục có những hành động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Minh Anh